TN - Đất & Người

“Làng tằm” bên dòng Krông Nô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đến nay, ở vùng Đầm Ròn đã phát triển khoảng 200 ha cây dâu tằm.

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn núi rừng Krông Nô thuộc xã Đạ M’rông (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), có hai ngôi làng mang tên Liêng Krắc 2 và Đa Tế. Cả 2 làng hiện có trên 324 hộ, 1.600 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc K’Ho và M’Nông. Cuộc sống của bà con ở những ngôi làng này thật bình yên, nhẹ nhàng và thân thiện nhưng không kém phần sôi động kể từ khi người dân nơi đây biết đến nghề trồng dâu, nuôi tằm...

Trồng dâu, nuôi tằm đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở “làng tằm” xã Đạ M’rông.

Trồng dâu, nuôi tằm đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở “làng tằm” xã Đạ M’rông.

Dâu tằm giúp nâng cao đời sống người dân

Từ trung tâm xã, chúng tôi cho xe men theo tuyến đường 722 uốn lượn qua những xóm, làng. Thấp thoáng các ngôi nhà mái ngói xen lẫn nhà gỗ mái tôn ẩn hiện giữa ngút ngàn màu xanh của các loại cây trái và màu xanh của bãi dâu.

Đến với làng Liêng Krắc 2 và Đa Tế, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hầu hết hộ nào cũng theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhiều hộ dân nơi đây còn những khó khăn nhất định, chưa có nhà nuôi tằm riêng biệt, bài bản, nhưng họ đều tận dụng triệt để không gian nhà ở để bố trí làm nơi nuôi tằm. Chị Ma Rương - cán bộ khuyến nông Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông, là người đã có nhiều năm gắn bó trong suốt chặng đường hình thành và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, bày tỏ: “Hiện tại rất ít hộ có nhà nuôi tằm đúng nghĩa. Tùy theo điều kiện không gian nhà ở của mỗi gia đình mà các hộ dân có thể bố trí phòng khách hay phòng ngủ hoặc dành cả không gian nhà bếp của gia đình để làm nhà nuôi tằm”.

Giờ đã bước vào mùa mưa, cây dâu phát triển tốt, cùng với giá kén tằm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao càng tạo thêm động lực cho người dân phát triển và gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Vì thế, không khí nuôi tằm ở nơi đây trở nên sôi nổi và nhộn nhịp hơn lúc nào hết... “Mặc dù là những tháng cao điểm của vụ mùa sản xuất lúa hè thu, trồng và chăm sóc cây trồng khác nhưng không khí nuôi tằm ở đây rất tất bật: nhiều hộ tranh thủ thời gian lúc sáng sớm hoặc cuối giờ chiều để đi hái lá, cắt cành lá dâu cho tằm ăn, có hộ thì cho con tằm lên né, hộ phơi kén, thu hoạch, chở kén đi bán và vệ sinh nong né...”, ông Đa Cát Dương, người uy tín ở làng Liêng Krắc 2 phấn khởi.

Cách đây khoảng 8 năm, ở làng Liêng Krắc 2 chỉ có 3 hộ mạnh dạn thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Được sự quan tâm, tuyên truyền, vận động và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ngành, đặc biệt do giá trị, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tằm mang lại, nên đến nay, trên 90% số hộ dân trong buôn đều theo nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Ông Mok Ha Đim-Trưởng thôn Liêng Krắc 2 chia sẻ: “Buôn làng chúng tôi sống tập trung với nhau và nằm tách biệt với các buôn trong xã. Khác với nhiều nơi ở các vùng trong huyện, người dân ở làng Liêng Krắc 2 và Đa Tế chủ yếu trồng dâu trên đất bãi bồi ven sông Krông Nô, bao quanh là diện tích rừng tự nhiên, cây lâu năm, các mảnh ruộng trũng thấp hơn được người dân trồng lúa. Vì vậy, vùng đất này rất phù hợp để cây dâu phát triển. Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, đến nay, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn. Hiện buôn Liêng Krắc 2 chỉ còn 19 hộ nghèo, cận nghèo”.

Còn ông Kră Jăn Ha Bích - Trưởng thôn Đa Tế phấn khởi cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ dân nhất là hộ nghèo, cận nghèo phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm: từ tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, trồng và chăm sóc cho đến việc hỗ trợ dụng cụ và giống tằm... Khuyến khích bà con tận dụng đất bãi bồi ven sông, suối để trồng dâu, thay đổi tập quán canh tác và chuyển đổi một số loại cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng dâu, nuôi tằm. Những hộ nghèo, gia đình khó khăn được Nhà nước hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thâm canh cây trồng. Đến nay, nhiều hộ dân trong buôn đều trồng ít nhất từ 1 - 5 sào dâu.

Mở lối cho "Làng tằm" phát triển

Thời gian qua, niềm vui của người dân ở làng Liêng Krắc 2 và Đa Tế nói riêng và cả người dân ở vùng Đầm Ròn nói chung như nhân đôi khi trong vùng đã được thành lập Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông và hình thành một số cơ sở cung cấp tằm giống, thu mua sản phẩm kén tằm... Từ khi Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông được thành lập tiếp tục mở ra cơ hội kết nối giữa các hộ trồng dâu, nuôi tằm ở vùng Đầm Ròn với nhà máy ươm tơ trên địa bàn huyện để liên kết cùng thực hiện khát vọng hình thành và phát triển nghề dâu tằm ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện, đưa vùng Đầm Ròn vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của huyện Đam Rông trong phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Theo kế hoạch của UBND huyện, năm 2022, xã Đạ M’rông mở rộng diện tích trồng dâu đạt trên 75 ha, năm 2024 là 110 ha và định hướng đến cuối năm 2025 đạt trên 200 ha. Tuy nhiên, hiện nay do các cơ sở nuôi tằm con trên địa bàn huyện không đáp ứng đủ số lượng cung cấp cho các hộ nuôi tằm trên địa bàn xã và 2 xã lân cận. “Xuất phát từ tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương, chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông làm cầu nối với Nhà máy ươm tơ Duy Phương để cung cấp tằm giống, thu mua kén giá cả ổn định. Mặt khác, việc nuôi tằm con tập trung sẽ tháo gỡ được khó khăn trong việc đáp ứng số lượng tằm giống, giảm chi phí đi lại, giảm rủi ro và rút ngắn thời gian trong việc nhận tằm giống. Trong những năm đầu, tùy theo diện tích dâu dành cho tằm con, điều kiện nhà cửa, nhu cầu của thị trường... chúng tôi phấn đấu sản xuất và cung ứng từ 30-100 hộp tằm giống/năm cho bà con”, chị Ma Rương - Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông khẳng định.

Qua thống kê, đến nay, ở vùng Đầm Ròn đã phát triển khoảng 200 ha cây dâu tằm. Tuy còn khá khiêm tốn, nhưng với lợi thế về khí hậu, tiềm năng thổ nhưỡng còn khá lớn nên rất thuận lợi để phát triển diện tích trồng dâu, nuôi tằm. Ông Rơ Ông Ha Lanh ở buôn Liêng Krắc 2 bày tỏ: “Mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, nhưng do điều kiện kinh tế, suốt 4 năm nay gia đình tôi chủ yếu tận dụng phòng khách rộng 24 m2 để làm nơi nuôi tằm nên chưa tận dụng hết nguồn dâu và rất khó khăn, nhất là trong quá trình nuôi khi con tằm bị bệnh tôi cũng không thể xử lý bằng thuốc vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe gia đình, dẫn đến hiệu quả và chất lượng kén tằm đạt thấp. Vì vậy, chúng tôi rất mong chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ người dân được vay vốn để xây dựng, mở rộng nhà nuôi tằm”.

Bà Kră Jăn K’Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’rông, cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, đất bãi bồi ven sông sang trồng dâu, nuôi tằm của huyện, những năm qua, xã xem và lấy trồng dâu, nuôi tằm là một trong những loại cây trồng mũi nhọn trong việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương. Thực hiện chủ trương này, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mở rộng diện tích trồng dâu và tăng số hộ nuôi tằm. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 100 ha dâu, với 303 hộ đã và đang nuôi, trong đó có 200 hộ nuôi thường xuyên. Đồng thời xã đã thành lập Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông. Ngoài việc hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi, mở rộng diện tích, dụng cụ nuôi tằm, chính quyền địa phương duy trì tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và nuôi tằm cho bà con để từng bước nâng cao chất lượng kén tằm.

Có thể khẳng định, tiềm năng phát triển diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở vùng Đầm Ròn còn khá lớn và đang được người dân tập trung khai thác. Trong tương lai gần, Đầm Ròn sẽ là một trong những vùng trồng dâu, nuôi tằm lớn của huyện Đam Rông.

Theo NDONG BRỪM (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm