Làng tỷ phú… khát
Được thành lập từ năm 1997, thôn Đức Hưng, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) có 205 gia đình từ tỉnh Hưng Yên vào lập nghiệp. Cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn, khi không được ưu đãi nhiều về nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất. Vì vậy, phần lớn diện tích cây trồng nơi đây là điều và mì-hai loại cây chống chịu hạn tốt so với nhiều loại cây trồng khác. Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày phải dẫn từ suối Ia Nan về. Đặc biệt, hơn 3 tháng nay, người dân phải mua nước đóng bình từ thị trấn Đức Cơ để nấu ăn và… tắm giặt!
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Là một trong những hộ buôn bán nhỏ trong thôn, anh Phạm Văn Hảo cho biết thêm: Chưa năm nào người dân lại khát nước sinh hoạt như bây giờ. Từ sau tết đến nay, trung bình mỗi ngày đại lý của tôi bán được từ 60 đến 70 bình nước lọc. Có hôm xe chở nước từ thị trấn vào không kịp cho các hộ gia đình…
Được biết, thời gian qua Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh đã tự bỏ kinh phí về khảo sát và khoan giếng cho người dân tại thôn Đức Hưng nhưng kinh phí đầu tư cao hơn một số vùng khác. Vì vậy, chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Và nỗi lo bệnh tật
Chuyện thiếu nước sinh hoạt đã có từ khi thành lập thôn đến nay, nhưng chưa đến mức quay quắt như năm nay. Khi mọi hy vọng từ thiên nhiên đã cạn kiệt, thì việc tìm ra nguồn nước đảm bảo vệ sinh đang là mong muốn lớn nhất của người dân thôn Đức Hưng. Bởi thời gian qua, trên địa bàn thôn đã xuất hiện nhiều loại bệnh tật ở nhiều hộ gia đình như: Mẩn ngứa, đau mắt đỏ… khiến họ rất lo lắng.
Qua kiểm tra, khảo sát mới đây của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh, hiện tại không chỉ có thôn Đức Hưng (huyện Đức Cơ) thiếu nước sinh hoạt mà một số vùng như: Xã Hbông, Ia Pal (huyện Chư Sê), các huyện Kông Chro, Krông Pa… cũng đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ do ô nhiễm môi trường và mạch nước ngầm giảm nhanh. |
Nguyễn Diệp