TN - Đất & Người

Làng Wâu: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Làng Wâu (xã Chư Á) được TP. Pleiku chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2018. Thời gian qua, người dân làng Wâu đã phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức đồng lòng để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tiếng máy xúc rền vang một góc làng Wâu. Từng mảng đất to được đào lên để lại rãnh mương thẳng tắp dọc 2 bên đường. Cạnh đó, một số người dân đang dọn dẹp hàng rào, chặt bỏ cây cối và những vật cản để đơn vị thi công có thể hoàn thành công việc một cách nhanh nhất. Ông Hưn-Trưởng thôn Wâu-cho hay: Công trình tạo mương để lắp hệ thống cống thoát nước dọc các tuyến đường được triển khai từ đầu tháng 9. Sau khi đào mương xong, bà con chủ động mua cống về đặt xuống, xây dựng hàng rào và trồng hoa tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Làng có 3 tuyến đường trục làng và liên làng với tổng chiều dài 2.460 m (trong đó có 730 m đường nhựa và 733 m đường bê tông); đường ngõ xóm có 11 tuyến với tổng chiều dài 3.240 m (2.195 m đường bê tông).
 Người dân làng Wâu hiến đất, phá bỏ cây cối để mở rộng đường. Ảnh: Hồng Thi
Người dân làng Wâu hiến đất, phá bỏ cây cối để mở rộng đường. Ảnh: Hồng Thi
Tất cả người dân làng Wâu đều phấn khởi khi bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, đời sống có nhiều khởi sắc. Họ sẵn sàng hiến đất, góp tiền và ngày công để làm đường giao thông nội làng, nội đồng và những công trình xây dựng nông thôn mới khác. “Nhìn con đường được mở rộng, sạch đẹp hơn, bà con mình ưng cái bụng lắm. Gia đình cũng tích cực thực hiện các phần việc mà cán bộ giao như đào hố rác, xây nhà vệ sinh, làm hàng rào xanh… và chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo bền vững”-ông Ưih-người dân làng Wâu, chia sẻ.
Trưởng thôn Hưn thông tin thêm: Làng Wâu hiện có 271 hộ (gần 95% là người Bahnar) với 1.305 nhân khẩu. Thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp; tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 180 ha, chủ yếu là rau màu, lúa nước, cà phê và hồ tiêu. Làng có gần 40 hộ khá với mức thu nhập trung bình mỗi năm 150-200 triệu đồng. Năm 2017, làng còn 43 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo; đến cuối năm nay phấn đấu có thêm 19 hộ thoát nghèo. “Ngoài việc tự nỗ lực sản xuất, bà con còn nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền xã, thành phố. Sắp tới, các hộ khó khăn của làng sẽ được nhận 14 con bò giống và thức ăn; được hỗ trợ nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả và xây dựng nhà ở”-ông Hưn phấn khởi nói.
Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân thì bản sắc văn hóa truyền thống cũng là nét đặc trưng cần được giữ gìn khi xây dựng nông thôn mới. Điều đáng mừng là người Bahnar nơi đây vẫn luôn duy trì và phát huy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghệ thuật cồng chiêng… của dân tộc mình.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời đã giúp bà con không bị thất thu vì nắng hạn. Ảnh: Hồng Thi
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời đã giúp bà con không bị thất thu vì nắng hạn. Ảnh: Hồng Thi
Theo đánh giá sơ bộ của UBND xã Chư Á, hiện tại, làng Wâu đã đảm bảo một số nội dung theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đi học Mầm non và Tiểu học; 75% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên; 25% lao động có việc làm đã qua đào tạo; 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì danh hiệu làng văn hóa 3 năm liền. Đáng chú ý, 100% hộ dân trong làng đã được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường; 100% hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường, không có tình trạng chăn nuôi dưới nhà sàn; chi bộ làng đạt trong sạch vững mạnh; an ninh chính trị, an ninh nông thôn đảm bảo...
Để làng Wâu sớm trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Trương Văn Minh-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á, Bí thư chi bộ làng Wâu-cho biết: “Bằng nhiều nguồn vốn, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành bê tông hóa tuyến đường từ xã đến làng; đầu tư nâng cấp các công trình phụ trợ nhà rông làng Wâu gồm công trình vệ sinh, giếng khoan; xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao làng với kinh phí 500 triệu đồng; vận động người dân tập trung chuyển đổi 50 ha lúa 1 vụ sang trồng rau màu các loại tại cánh đồng Ia Bô; triển khai thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích 0,8 ha, nuôi bò sinh sản; trồng cây xanh và làm hàng rào xung quanh khu vực nghĩa trang… Ủy ban nhân dân xã cũng đã xuất ngân sách 70 triệu đồng hỗ trợ cho việc cải tạo cảnh quan môi trường; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, các tổ chức đoàn thể và đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện các tiêu chí”.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm