Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thành kính đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Quang Tấn |
Đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn; cùng đi có các đồng chí: Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, đoàn công tác đã kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn (hàng trước, thứ 2 từ phải sang) thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Quang Tấn |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972-16/9/1972) là một trong những minh chứng sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước và khẳng định lòng yêu nước nhiệt thành, sự hy sinh cao cả cho chính nghĩa, vì sự nghiệp vĩ đại của Nhân dân Việt Nam.
Vào mùa hè năm 1972, có khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, ngọn cỏ nào có thể sống được. Hàng vạn anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân và bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất.
Nơi đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình, thống nhất đất nước. Ảnh: Quang Tấn |
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ Quảng Trị trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua mỗi khi đến Quảng Trị, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình, thống nhất đất nước.
Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.