Công nhân Công ty Khanxay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu đưa chuối về Nhà máy chế biến sau khi thu hoạch. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào tỉnh Attapeu đã giúp thúc đẩy các bên khác quan tâm tới việc đầu tư vào tỉnh, đó là chia sẻ của Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, ông Thanousay Bansalth với các phóng viên TTXVN tại Lào.
Theo Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, tỉnh hiện có khá nhiều dự án đầu tư của Việt Nam, trong đó nổi bật là các dự án như Xekamane 1, các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dự án mía đường TTC Attapeu của Thành Công, các dự án của Tập đoàn Thaco…
Các dự án này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo thu nhập và việc làm cho người dân, đồng thời tạo ra nhiều mặt hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho tỉnh, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho Lào và cho địa phương.
Đánh giá về dự án thủy điện Xekamane 1, ông Thanousay Bansalth cho biết đây là một trong những dự án năng lượng đầu tiên hoàn thành tại tỉnh Attapeu. Dự án không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của tỉnh Attapeu mà còn cho cả nước Lào.
Đây cũng là dự án được thực hiện theo tinh thần phát triển khu vực Tam giác phát triển 3 nước Lào-Campuchia-Việt Nam, do đó có sự kết nối không chỉ về năng lượng mà còn cả đường xá đi lại.
Đập thủy điện nhà máy Xekamane 1 tại tỉnh Attapeu, Nam Lào do Công ty TNHH Xekamane 1, công ty con của Công ty cổ phần Phát triển điện Việt Lào - Tổng Công ty Sông Đà xây dựng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Bên cạnh việc thực hiện tốt và đầy đủ các nghĩa vụ đóng góp với tỉnh, dự án cũng làm rất tốt công tác tái định cư, đến nay, cả hai khu tái định cư của dự án đều đã hoàn thành với cơ sở hạ tầng được quy hoạch đồng bộ, đầy đủ cả điện, đường, trường, trạm và đất canh tác…
Theo Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, trước khi được tái định cư, người dân ở khu vực này chủ yếu sống du canh du cư, làm nương, làm rẫy, sống phụ thuộc vào rừng núi, thiên nhiên, đời sống rất khó khăn. Nay khi chuyển về khu tái định cư được quy hoạch bài bản, sinh hoạt của người dân ở đây rất tốt, thay đổi hẳn so với các nơi ở cũ của họ.
Chia sẻ với các phóng viên TTXVN, ông Thanousay Bansalth đặc biệt đánh giá cao việc nhiều công ty Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh sử dụng các công nghệ nông nghiệp hiện đại, bền vững vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, nổi bật là dự án của Công ty mía đường TTC Attapeu.
Theo ông, đây là dự án sản xuất đường hữu cơ có chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Dự án không chỉ giúp bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn đưa ra mô hình Hợp tác nông dân (người dân góp đất, Công ty hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng, cây giống, phân và bao tiêu sản phẩm cho họ) rất hiệu quả, được người dân ủng hộ, chính quyền đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu khẳng định làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào tỉnh Attapeu đã giúp thúc đẩy các bên khác quan tâm tới việc đầu tư vào tỉnh, thu hút các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Thái Lan…
Công ty TNHH MTV Mía đường TTC Attapeu của Tập đoàn Thành Công hỗ trợ nông dân thu hoạch mía. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Theo ông Thanousay, khi các dự án hiện có của Việt Nam hoạt động ổn định còn các dự án đang xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động trong những năm tới, đóng góp của các công ty Việt Nam cho ngân sách tỉnh Attapeu sẽ rất nhiều và dự kiến sẽ chiếm phần lớn.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attpeu bày tỏ hy vọng việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tỉnh sẽ trở thành nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội của tỉnh Attapeu không chỉ trong vấn đề tạo nguồn thu cho ngân sách cho địa phương, mà còn đem lại thu nhập và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động của tỉnh. Qua đó, các dự án sẽ góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam.