Kinh tế

Lão nông ghép thành công chanh dây trên gốc lồng đèn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhận thấy cây chanh dây kém khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, dễ nhiễm vi khuẩn và nấm hại ở gốc dẫn đến chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người trồng, ông Lê Văn Thái (thôn An Lợi, xã Phú An, huyện Đak Pơ) đã khắc phục các nhược điểm trên bằng cách ghép chanh dây trên gốc cây lồng đèn. Mô hình này đã thành công và được nhận giải nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII năm 2016-2017.

“Lồng đèn mà ra trái chanh”

Mặc dù sắp bước qua tuổi 63 nhưng ngày ngày ông Thái vẫn miệt mài, say mê với những nghiên cứu của mình bên vườn chanh dây. Chỉ tay vào vườn chanh dây sum suê trái, ông Thái cho biết: “Các anh thấy “lồng đèn mà ra trái chanh” chưa?”. Đó là 500 gốc lồng đèn được ghép với chanh dây, sau khoảng 2 tháng đã cho kết quả mỹ mãn. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông xác định gốc lồng đèn ngoài tự nhiên là phù hợp nhất với cây chanh dây. Sau một năm miệt mài với nhiều đợt thực nghiệm ghép chanh trên gốc lồng đèn đã chứng tỏ được tính ưu việt hơn hẳn so với các giống cũ và cho sản lượng cao hơn. Đây là giải pháp hoàn toàn mới và đem hiệu quả cao. “Tôi khẳng định trên toàn quốc chưa có ai ghép chanh dây theo phương pháp này”-ông Thái nói.

 

Chanh dây ghép trên gốc lồng đèn đã lên giàn và đang cho quả. Ảnh: N.S
Chanh dây ghép trên gốc lồng đèn đã lên giàn và đang cho quả. Ảnh: N.S

Qua hơn 3 năm trồng chanh dây, ông nhận thấy khi cây càng mang trái nhiều thì càng dễ nhiễm bệnh và chết, nhiều vườn chết từ 50% đến 70%, cá biệt có vườn chết 100%. Từ đó ông ấp ủ ý tưởng sẽ tìm cho chanh dây một gốc ghép hoang dã trong thiên nhiên, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết. Tháng 2-2016, ông nhổ 10 gốc lồng đèn mọc hoang cho vào bầu nuôi ghép mắt chanh rồi đem ra trồng. Đến nay, cả 10 gốc đều sống và phát triển tốt. Đợt 2 ông tiến hành ghép vào tháng 8-2016, thực hiện trên 40 gốc, chanh dây phát triển tốt và cho trái bình thường. Đầu năm nay, ông tiếp tục ghép 200 gốc. Hiện cây đã lên giàn và đậu trái sum suê. Mới đây, ông làm giống 500 gốc, xuống giống 1 ha, cây cũng đang phát triển tốt và bắt đầu đậu trái.

“Được mọc tự nhiên, phù hợp với tất cả các loại đất, cây lồng đèn có tuổi thọ cao, có cây sống trên 10 năm với đường kính gốc lên đến 7-8 cm, sức chống chịu tốt với mọi điều kiện, hơn hẳn chanh dây. Đối với chanh ghép trên gốc lồng đèn, khả năng chống chịu bệnh hại được thể hiện rõ. Chẳng hạn, tại chỗ gốc chanh dây sau khi chết chắc chắn đất đã bị nhiễm bệnh nặng, nếu muốn trồng lại thì phải xử lý môi trường đất thật kỹ và cần có thời gian cách ly mới hy vọng giảm được nguy cơ nhiễm bệnh của cây. Nhưng với giống chanh được ghép trên gốc lồng đèn thì không cần xử lý môi trường đất mà trồng hẳn bên cạnh gốc đã chết vẫn phát triển bình thường, chứng tỏ gốc lồng đèn kháng bệnh rất tốt”-ông Thái chia sẻ.

Chủ động được nguồn giống

Khi ghép cây, ông Thái chọn hạt giống cây lồng đèn ngoài tự nhiên để đảm bảo giữ được tính hoang dã giúp cây có khả năng chống chịu tốt. Đến giai đoạn gieo hạt và nuôi trồng gốc ghép phải đảm bảo giống lấy mắt và chồi ghép (giống chanh tím Đài Loan) sạch bệnh thì cây mới phát triển tốt, đồng đều. Cây chanh dây tuổi thọ ngắn nên không thể duy trì cây giống đầu dòng. Vì vậy, mắt và chồi ghép chỉ lấy từ những cây sạch bệnh,  nhiều trái và trái to để tạo ra năng suất cao sau này.

Theo ông Thái, qua thực nghiệm cho thấy, việc ươm hạt, nuôi cây con, ghép giống là một quá trình đơn giản, nhiều người muốn học hỏi về tự làm, nếu làm được thì giá thành rất rẻ vì lấy công làm lời. Từ khai thác hạt giống trong thiên nhiên, công lao động, tất cả giá thành chỉ khoảng 15.000 đồng/cây giống, rẻ hơn nhiều so với giống Đài Loan và Nafood trên thị trường hiện nay-khoảng 40.000 đồng/cây giống, có lúc lên đến 50.000 đồng/cây giống.Việc giảm được giá cây giống, hạn chế số lượng cây chết non, khỏi trồng dặm, giảm được chi phí lao động và thuốc bảo vệ thực vật để xử lý gốc, giảm được cây chết hàng loạt khi kinh doanh… chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ còn mong trúng giá thì nông dân có thể làm giàu từ giống ghép này.

Đầu năm 2017, được ông Thái hướng dẫn cụ thể cách ghép, ông Huỳnh Văn Thoại (thôn An Lợi, xã Phú An, huyện Đak Pơ) về tự làm giống và trồng được 120 gốc trên diện tích 0,4 ha. Vườn chanh dây này hiện đã cho thu hoạch. Đến nay, ông Thoại tiếp tục ghép 1.000 gốc và chuẩn bị trồng. Tương tự, ông Nguyễn Đạt (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã tự đi tìm hạt lồng đèn về gieo, số lượng này lên đến hàng chục ngàn gốc và đã đưa ra trồng thay thế cho số chanh chết trên 3 ha, nay cũng đã bắt đầu thu hoạch.  Ngoài ra, hàng trăm người, kể cả từ các địa phương như Lâm Đồng, Đak Lak đã tìm tới đặt vấn đề với ông Thái về việc cung ứng giống cho họ nhưng ông chưa dám nhận vì hiện tại ông không đủ năng lực làm giống số nhiều.

“Trước mắt, tôi chỉ đảm bảo mở rộng diện tích của mình từ 1 ha lên 3 ha và giúp cho một vài người trong xóm và bạn bè để bắt đầu trồng. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư làm nhà lồng với diện tích 600 m2 để nuôi cây giống lấy mắt và chồi ghép, vẫn là giống chanh tím của Đài Loan. Cùng với đó, tôi sẽ mở rộng diện tích ươm hạt lồng đèn, bầu nuôi ghép mắt chanh. Khi hoàn thiện, tôi có thể cung ứng giống với số lượng lớn nếu ai có nhu cầu”-ông Thái cho biết thêm.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm