Trong danh sách những người làm đơn tố cáo Mai Công Linh (SN 1984) tổ chức tour du lịch "ma" để chiếm đoạt tiền của họ, có cả những đối tác dẫn tour và người làm dịch vụ visa. Sau khi tin vào những lời hứa hẹn "như thật", họ đều có chung kết cục là bức xúc vì không đòi được tiền, mất công mà không được việc. Những người tố cáo đã vạch ra hàng loạt thủ đoạn "độc chiêu" khiến họ rơi vào bẫy, dẫu rất đề phòng.
Những người làm đơn tố cáo Mai Công Linh cung cấp thông tin cho PV Báo ANTĐ
Sau khi Báo ANTĐ đăng tải 2 bài viết nói về sự việc hàng chục người làm đơn tố cáo Mai Công Linh (SN 1984, trú tại TP.HCM) tổ chức các tour du lịch "ma", chiếm đoạt tiền mà không thực hiện tour như đã hứa, nhiều người đã bày tỏ sự quan tâm.
Trong đó, một số người cho rằng, lý do chính khiến sự việc xảy ra như vậy là do nhiều người "ham rẻ", nên mới bị mất tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, các tour du lịch "ma" mà Mai Công Linh vẽ ra hoàn toàn không hề rẻ.
Thay vào đó, người này bị cho là đã có những tính toán "độc chiêu" khiến nhiều khách hàng dù rất cảnh giác, song vẫn bị mắc bẫy. Trong số những người làm đơn, có không ít người làm kinh doanh, hoạt động truyền thông, thậm chí có những người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Thông tin lịch trình hấp dẫn mà Mai Công Linh đưa ra để mời chào
Cụ thể, chị Nguyễn K.L (SN 1988, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) - đại diện cho nhóm người làm đơn – cho biết, một trong điểm khiến nhiều người tin tưởng Mai Công Linh là người này vẫn tổ chức một số tour “mồi”, mang lại trải nghiệm hài lòng cho người tham gia.
“Điều hấp dẫn nhất là anh ta tổ chức tour dạng ‘bụi’, cho phép mọi người tự do khám phá, không o ép lịch trình như tour truyền thống, không đưa vào các khu vực shopping bắt buộc, không tổ chức ăn chung cho cả đoàn nên mọi người đều cảm thấy thoải mái. Trong tour đi Bali (Indonesia), dù lịch trình ngắn ngày, thời gian bay khá dài do phải quá cảnh tại Malaysia và nhà tôi có cả người già và trẻ nhỏ, nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi, mà trái lại, rất hào hứng”, chị L cho biết.
Vì vậy, sau mỗi chuyến tour “mồi”, hầu hết người tham gia đều nhanh chóng đặt hàng thêm các tour khác, và dễ dàng chuyển khoản trước 100% chi phí chuyến đi.
Visa của một nữ khách hàng đặt tour đã được làm đúng thời hạn, song Mai Công Linh vẫn hủy tour với lý do gian dối "visa bị làm muộn"
Một yếu tố khác khiến các tour du lịch “ma” của Mai Công Linh hấp dẫn là người này thường tung ra những “chiêu” khuyến mãi có vẻ đáng tin: Giảm 50% chi phí cho 2 đơn đặt hàng đầu tiêu; giảm giá cho đơn hàng nào có giá trị lớn nhất định trở lên… Do vậy, mọi người sẽ càng hào hứng “săn” khuyến mãi.
Song chị Nguyễn H (SN 1988, trú tại Hà Nội) – là người từng được Linh nhờ dẫn tour và cũng đang làm đơn tố cáo đối tượng này vì hành vi quỵt tiền – chỉ ra rằng, đó đều là những khuyến mãi không có cơ sở.
“Muốn có khuyến mãi hấp dẫn trong việc tổ chức tour du lịch, anh ta sẽ phải đặt vé máy bay, phòng nghỉ… trước nhiều ngày, để lấy được suất ưu đãi. Tuy nhiên, trong những lần làm việc với Linh, tôi nhận ra là anh ta luôn chờ tới sát thời điểm khởi hành thì mới đặt vé, nhiều khi phải chịu mức phí rất cao. Khi ấy, tôi không hiểu tại sao anh ta lại kinh doanh kỳ lạ như vậy”, chị H cho biết.
Sau đó, chị H và những người tố cáo đã nhận ra rằng, đó là một “chiêu độc” của Mai Công Linh, khi người này chấp nhận lỗ, bỏ tiền ra để tạo sự hấp dẫn cho các tour, rồi về sau mới “cất lưới”.
Mai Công Linh vẫn duy trì tài khoản Facebook cá nhân, nhưng giữ im lặng trước mọi liên lạc đòi nợ. Ảnh từ FB của nhân vật được đề cập
Ngoài ra, Mai Công Linh còn sử dụng mạng xã hội Facebook một cách khéo léo để đánh trúng tâm lý của những người quan tâm. Người này bố trí các bài đăng một cách công phu: Có bài hiển thị “Công khai” để mọi người đều xem được; Có những bài chỉ hiển thị với một số người nhất định, thậm chí đã xây dựng những bài viết với nội dung “than phiền” rằng có người đang “phá” mình, không cho mình làm ăn tử tế, tự động viên bản thân phải vượt qua các khó khăn…
Mục đích của việc này là để cung cấp thông tin có lợi cho Linh đối với từng nhóm người, nếu nhóm nào phát hiện ra sự bất thường trong việc tổ chức tour thì Linh sẽ “tách riêng”, để nhóm tin tưởng tiếp tục theo dõi lịch trình tour và đặt hàng.
“Mãi sau này, chúng tôi mới biết rằng, anh ta có riêng những bài đăng để cho những người ‘bóc phốt’ vào phản đối, và riêng những bài đăng khác để lôi kéo người nào chưa biết. Khi bị nhiều người lập các group trên Facebook tố cáo, Mai Công Linh cất công vào từng bài đăng của mình, bổ sung đoạn ‘than khổ’, nói rằng có người phá anh ta, không cho làm ăn… Nhưng khi được hỏi ai phá thì Linh lại lờ đi”, chị L cho biết thêm.
Một nhóm khách chuyển tiền mua tour cho Mai Công Linh, rồi sau đó phải "du lịch tại gia"
Trong số những người làm đơn tố cáo Mai Công Linh, có không ít trường hợp bi hài, khi họ từng là đối tác tin tưởng Linh và cùng hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Như chị Nguyễn H (SN 1988, trú tại Hà Nội) được Linh nhờ dẫn tour, với lời hứa hẹn “sau 2-3 tour làm tốt thì được mời vào công ty làm toàn thời gian”. Song sau 7 tour dẫn khách đi nước ngoài cho Linh mà không được nhận thù lao, lại còn mất thêm tiền chi ra trong chuyến đi, chị H mới biết mình bị lợi dụng. Mai Công Linh còn nhiều lần vay tiền chị H, từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng, song tới nay vẫn chưa trả hết.
Hay chị Nguyễn P.H (SN 1987, trú tại Hà Nội) đang bị Mai Công Linh “lờ” thanh toán khoản tiền hơn 170 triệu đồng, bao gồm 112,2 triệu đồng tiền mua tour và 58,7 triệu đồng tiền dịch vụ làm visa. Chị H tự nhận bản thân là người bị hại với cả 2 vai trò: Khách đặt tour và đối tác làm dịch vụ visa cho Linh.
PV Báo ANTĐ đã cố gắng liên lạc với Mai Công Linh, song dù điện thoại đổ chuông, người này không nghe máy, không trả lời tin nhắn điện thoại cũng như tin nhắn qua Facebook. Hiện, Linh không có mặt tại địa chỉ tạm trú ở TP.HCM, không giữ liên lạc với bất kỳ ai, sau khi liên tục bị đòi nợ.
Được biết, hiện những người tố cáo Mai Công Linh đã gửi đơn tới cơ quan chức năng nhờ can thiệp, ngăn chặn.
Trung Hiếu (ANTD.VN)