Kinh tế

Doanh nghiệp

Lật tẩy đường dây nhập lậu điều, chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan vừa bóc trần thủ đoạn gian dối của một doanh nghiệp tại Bình Dương khi khai báo nhập khẩu 78.000 tấn điều để sản xuất xuất khẩu nhưng lại bán vào thị trường nội địa để trốn thuế, với số tiền chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong quá trình triển khai nghiệp vụ, cơ quan hải quan nhận thấy, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu D.P.T (gọi tắt là Công ty D.P.T), địa chỉ tại tỉnh Bình Dương mở tờ khai xuất - nhập khẩu điều thô tại một Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có nhiều dấu hiệu bất thường.

Sau hơn 1 năm điều tra, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam đã phát hiện: Trong hơn 4 năm (từ 1/1/2017 đến 31/5/2022), Công ty D.P.T đã mở 515 tờ khai nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu (loại hình E31), với số lượng nhập khẩu khoảng 112.700 tấn hạt điều thô nguyên liệu, trị giá trên 3.606 tỷ đồng.

Cùng thời điểm này, công ty mở 420 tờ khai xuất khẩu (loại hình E62) gần 6.900 tấn hạt điều nhân (tương đương khoảng 34.450 tấn hạt điều thô nguyên liệu), trị giá hàng hóa trên 1.253 tỷ đồng.

Hàng tồn kho công ty khai báo hải quan còn trên 78.200 tấn hạt điều thô. Nhưng trên thực tế, khi cơ quan chức năng kiểm tra chỉ còn vỏn vẹn 50 tấn hạt điều nhân thành phẩm, tương đương với 250 tấn hạt điều thô.

Làm việc với cơ quan hải quan, Giám đốc Công ty D.P.T khai nhận, từ năm 2018 đến năm 2022, công ty đã bán số lượng trên 78.014 tấn hạt điều thô nguyên liệu vào thị trường nội địa cho một cá nhân cư trú tại tỉnh Bình Phước, với trị giá gần 2.500 tỷ đồng. Quá trình bán hàng, công ty không khai báo hải quan, không mở tờ khai hải quan chuyển mục đích sử dụng hàng hóa, không kê khai và nộp thuế theo quy định.

Việc điều thô nhập lậu liên tục đổ bộ vào thị trường nội địa gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất trong nước (ảnh minh họa).

Việc điều thô nhập lậu liên tục đổ bộ vào thị trường nội địa gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất trong nước (ảnh minh họa).

Để hợp thức cho hoạt động bán hàng và số lượng nguyên liệu tồn kho, Giám đốc Công ty D.P.T đã cho kế toán các số liệu thể hiện việc xuất hạt điều thô đi gia công, yêu cầu kế toán thể hiện trong sổ sách, sổ tài khoản theo dõi nguyên liệu, vật liệu trong kho thể hiện hoạt động xuất kho nguyên liệu đi gia công để báo cáo với các cơ quan quản lý.

Quá trình hoạt động, công ty còn thành lập 2 chi nhánh tại Bình Dương để xây nhà xưởng; 1 nhà xưởng tại Bình Phước. Tuy nhiên, các nhà xưởng này đều không có giấy phép xây dựng nhà xưởng, không có hồ sơ hoàn công.

Lãnh đạo Đội 3 cho biết, theo quy định, hạt điều thô (chưa bóc vỏ) nhập khẩu nếu tiêu thụ nội địa sẽ chịu thuế suất là 5%. Tuy nhiên, công ty này khai báo nhập theo loại hình sản xuất xuất khẩu nên được miễn thuế.

“Việc này đã giúp Công ty D.P.T hưởng lợi bất chính từ việc tránh được số thuế 5% đối với số hạt điều thô đã tiêu thụ trái phép vào thị trường trong nước, với số tiền trên 120 tỷ đồng”, lãnh đạo Đội 3 cho hay.

Căn cứ vào kết quả điều tra và các tài liệu đã thu thập được, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội buôn lậu xảy ra tại Công ty D.P.T và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2020-2022, thị trường nguyên liệu điều xảy ra nhiều bất thường khi điều thô nhập vào Việt Nam tăng kỷ lục. Điển hình, chỉ riêng thị trường Campuchia, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 1,1 triệu tấn điều thô từ nước này, tương đương 1,8 tỷ USD. Năm 2020, con số này đạt khoảng 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD.

Sau khi nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, Tổng cục Hải quan đã vào cuộc và phát hiện nhiều đường dây buôn lậu, lợi dụng những ưu đãi về thuế trong nhập khẩu điều của Việt Nam để lách luật, trốn thuế.

Có thể bạn quan tâm