Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vào tháng 10-2023

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp 6 (tháng 10.2023), bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Sáng mai 27.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

 

 Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2023. Ảnh: Gia Hân
Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2023. Ảnh: Gia Hân



Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết 47 ngày 6.6.2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết 23 ngày 4.8.2022 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Nghị quyết 47, tại kỳ họp 5 (tháng 5.2023), ngoài các nội dung giám sát thường lệ, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát về việc sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023), Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát về 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Theo Nghị quyết 23, việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong phiên họp tháng 9.2023.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của nhà nước.

Các chức danh do Quốc hội bầu gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, 4 Phó chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Thường vụ Quốc hội (gồm Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện và Trưởng ban Công tác đại biểu), Tổng kiểm toán Nhà nước.

Các chức danh Quốc hội phê chuẩn, gồm: 4 Phó thủ tướng Chính phủ, 18 bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ).

Ngoài ra, Quốc hội còn phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng an ninh, 1 phó chủ tịch, 4 ủy viên Hội đồng Quốc phòng An ninh. Tuy nhiên, đây đều là các chức danh kiêm nhiệm.

Theo quy định hiện hành của T.Ư Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Có 3 mức phiếu tín nhiệm, gồm: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

 

Theo Lê Hiệp (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm