(GLO)- Chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, sáng 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp về công tác phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng-chống tham nhũng.
Ảnh: Anh Huy |
Tại cuộc họp, đại diện của các cơ quan, đơn vị liên quan, như: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh… đã nêu một số tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng-chống tham nhũng 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện và đề ra phương hướng, giải pháp trong những tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị đã tham gia nhiều ý kiến cũng như đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về một số vấn đề.
Cục thi hành án Dân sự tỉnh kiến nghị về chế tài xử lý hành vi la mắng, chửi bới, lăng nhục cán bộ; tổ chức tập huấn định kỳ hàng năm cho công chức giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao kỹ năng xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Sở Tư pháp đề nghị Quốc hội và các cơ quan Trung ương cần nghiên cứu điều chỉnh một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng để không gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi…
Tòa án nhân dân tỉnh kiến nghị tăng cường sự giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử đối với công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí; cần công khai việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí để nhân dân nắm bắt; biểu dương, khen thưởng kịp thời và bảo vệ những người có thành tích trong phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, lãng phí…
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án hình sự đối với trường hợp thi hành án treo nhưng không có mặt tại địa phương, theo đó cần có chế tài mạnh để việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo được chặt chẽ, có hiệu quả hơn…
Anh Huy