(GLO)- Lễ chùa vào dịp Tết đã thành nếp sinh hoạt tâm linh của rất nhiều người Việt. Ở Bắc Tây Nguyên, mãi đến đầu những năm 30 của thế kỷ trước mới có những ngôi chùa đầu tiên. Từ đó, cư dân nơi đây tiếp nối lễ tục này.
Tuy muộn màng, song Tây Nguyên được lợi thế là miền đất có nhiều điểm sơn thanh thủy tú, rất phù hợp việc tạo lập chùa chiền, am cốc. Một số chùa lập dựng sớm, theo thời gian và đà phát triển đô thị nay đã “lọt” vào giữa phố phường. Tuy nhiên, vẫn có những ngôi chùa còn nguyên nơi thanh tịnh, thậm chí có nhiều ngôi chùa được lập dựng vào nơi có thể nói là… “thâm sơn cùng cốc”!
Chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah). Ảnh internet |
Ở 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên, những ngày xuân, phật tử và du khách ngoài việc viếng thăm những chùa gần gũi nơi trung tâm phố thị, nếu muốn kết hợp với du xuân, có thể hành hương về một số ngôi chùa còn giữ được nét tiêu sơ thanh tịnh để thư thái tinh thần. Ở Gia Lai, chỉ cách trung tâm TP. Pleiku chừng mươi cây số, chùa Bửu Minh tọa lạc tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) giữa mênh mông một nông trường chè xanh, không gian vô cùng khoáng đạt, không khí hết sức trong lành, lại thêm bên cạnh một Biển Hồ ngăn ngắt sắc xanh xuân. Đường vào chùa hướng nào cũng phong quang, thuận tiện cho khách hành hương. Đây là ngôi chùa cổ, được lập dựng đã gần 90 năm. Từ ngày Thượng tọa Thích Giác Tâm về trụ trì đã phát tâm trùng tu và lập dựng thêm nhiều hạng mục to lớn, đến nay cảnh sắc chùa không những khang trang mà còn vô cùng thoáng đạt, dù vậy vẫn nguyên nét tôn nghiêm trầm mặc như giữa chốn lâm tuyền. Tuy không cách xa phố thị và khu dân cư nhưng đến đây khách hành hương vẫn có cảm giác mình đang du lãm chốn vườn thiền.
Ở Kon Tum, chừng gần 10 năm nay có chùa Khánh Lâm tọa lạc tại khu sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông), cách trung tâm TP. Kon Tum tầm 60 km. Chùa được Đại đức Thích Nhuận Bảo khởi công vào Rằm tháng 2 năm Nhâm Tuất (7-3-2012) trên một đỉnh đồi nguyên sinh cao trên 1.200 m. Nơi đỉnh cao cảnh sắc phong quang giữa điệp trùng đại ngàn xanh thẳm, chùa càng được tôn thêm vẻ thanh nhã, u linh của nơi thiền tự. Đường vào chùa Khánh Lâm (từ quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi-Kon Tum) chừng 7 km quanh co giữa trập trùng đồi dốc suối khe, luồn lỏi dưới bóng rừng thâm u tịch mịch dễ khiến khách hành hương liên tưởng đường vào Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh-nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hành thiền và đắc đạo, lập nên thiền phái Trúc Lâm siêu việt.
Chùa Khánh Lâm gây ấn tượng mạnh cho khách hành hương ngay từ tòa chánh điện với 3 tầng mái, thể hiện sự dung hợp hài hòa và tài tình giữa kiến trúc Phật giáo truyền thống và kiến trúc bản địa Tây Nguyên. Hai tầng mái phía dưới cong vút đầu đao tượng trưng kiểu đình chùa cổ truyền, tầng mái trên cùng vát thẳng trời xanh là cách điệu mái nhà rông biểu trưng văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hình ảnh này biểu đạt rõ tinh thần hòa nhập cộng đồng của Phật giáo. Nghệ thuật kiến trúc ở chùa Khánh Lâm còn thể hiện ở các hạng mục khác. 12 cánh cửa tòa chánh điện chạm khắc điêu luyện hình tượng 12 vị Dược Xoa trong kinh Dược Sư, biểu thị 12 vị hộ mệnh cho loài người nơi trần thế. Hai bên sân tiền chánh điện là 2 dãy nhà Tây Lan và Đông Lan song song đối xứng, toàn bộ cột kèo, xiên trính, cửa lớn cửa sổ đều chạm khắc hoa văn tinh xảo; mái lợp ngói âm dương, mang nét cổ kính, tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện. Dọc dài trước 2 nhà Tây Lan, Đông Lan là nhóm tượng 18 vị La Hán nguyên dạng “Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau/Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/Một câu hỏi lớn không lời đáp/Cho đến bây giờ mặt vẫn chau!…” (thơ Huy Cận).
Dĩ nhiên, nơi sơn thanh thủy tú Bắc Tây Nguyên này còn nhiều ngôi chùa được lập dựng ở những nơi đáng mặt “danh lam thắng cảnh” nữa, nhưng làm sao điểm được nhiều hơn bởi dung lượng bài có hạn!
Ngày xuân, ngoài ý nghĩa tâm linh là tìm sự tịnh khiết cho tâm hồn, khách hành hương khi đến những nơi này còn có thể xem đây là chuyến du xuân ngoạn cảnh, về với thiên nhiên thảo dã trong lành-những nơi đang mỗi lúc một hiếm đi giữa chốn bụi trần!
TẠ VĂN SỸ