TN - Đất & Người

Lễ hội âm nhạc cổ điển lần đầu tiên ở Đà Lạt: Quảng bá thành phố sáng tạo UNESCO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một lễ hội đầy tính thơ cùng mô hình biểu diễn đa dạng, Lễ hội âm nhạc cổ điển lần đầu tiên tại Đà Lạt được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Hồ Xuân Hương - trái tim của Đà Lạt là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Hồ Xuân Hương - trái tim của Đà Lạt là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Lễ hội âm nhạc cổ điển (VCMF) lần đầu tiên diễn ra từ ngày 10-17/3 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.

Với một lễ hội đầy tính thơ, mô hình biểu diễn đa dạng cùng các tác phẩm âm nhạc cổ điển tinh tế, tràn đầy năng lượng do nhiều nghệ sỹ tài năng trình diễn, dự kiến, lễ hội sẽ đón khoảng 20.000-30.000 lượt khách, hứa hẹn là điểm chạm đầy hứng khởi và công chúng dễ tiếp cận.

Người yêu nhạc sẽ được gặp gỡ những nghệ sỹ gạo cội, thưởng thức âm nhạc cổ điển theo phong cách trẻ trung, thử nghiệm không gian biểu diễn độc đáo mà vẫn giữ nguyên các giá trị nghệ thuật tinh hoa.

Đồng thời, khán giả cổ vũ cho nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức biểu diễn âm nhạc cổ điển như Arietta, Sông Hồng Ensemble, Schubert in a Mug, Vietnam Youth Music Institute - VYMI, Vietnam Youth Orchestra - Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam, các nghệ sỹ độc lập (Tim Allhoff, Trần Lê Bảo Quyên, Kyle Acunius),... cùng bề dày kinh nghiệm tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật của Vietfest.

Chương trình nghệ thuật trong Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật trong Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Có thể kể đến buổi hòa nhạc “Sound of Brass” có sự kết hợp của Cộng đồng kèn đồng Hà Nội và Đà Lạt mở màn lễ hội vào ngày 10/3. Tiếp đó là hòa nhạc opera “Mùa yêu” với các trích đoạn kinh điển, đặc biệt là trích đoạn trong vở “Cây sáo thần” của Mozart, hứa hẹn sẽ là một nét chấm phá đặc sắc.

Đặc biệt, vào ngày 11/3 (thứ Hai) sẽ diễn ra nghi lễ chào cờ đặc biệt của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt với sự tham gia của dàn nhạc công kèn đồng đến từ khắp đất nước.

Đáng chú ý là hòa nhạc khai mạc triển lãm "Đối thoại về thời gian" giới thiệu các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong tứ trụ của mỹ thuật Đông Dương tới công chúng Đà Lạt.

Ông ghi dấu với các tác phẩm tiêu biểu như: “Gióng,” “Điệu múa cổ,” “12 con giáp,” “Con nghé quả thực”,... Các tác phẩm của ông cho thấy sự kế thừa những tinh túy từ mỹ thuật cổ Việt Nam và sức sáng tạo không giới hạn của danh họa tài ba xứ Nghệ.

Triển lãm là cơ hội để khán giả chiêm ngưỡng tận mắt 12 bức tranh con giáp phiên bản gốc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lần đầu tiên được công bố tại Đà Lạt.

Trong không gian trưng bày, hai nghệ sỹ tài năng Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến sẽ trình diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển song hành với tranh, góp phần mở ra góc nhìn đa chiều, đối chiếu thú vị về văn hóa.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có hội thảo chuyên đề “Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người.” Tại đây, các chuyên gia trong nước, quốc tế sẽ trao đổi về những vấn đề “nóng” của âm nhạc nói chung và âm nhạc cổ điển. Cùng với đó, công chúng sẽ được trò chuyện với giám tuyển triển lãm, nhà sưu tập, giới thiệu về các tác phẩm trong bộ tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Chương trình hòa nhạc bế mạc Lễ hội âm nhạc cổ điển sẽ chào đón tất cả công chúng cùng biểu diễn cộng đồng, không giới hạn độ tuổi, trình độ, nhạc cụ tham gia. Ban Tổ chức hy vọng đây sẽ là một phần ký ức đẹp, đánh dấu lần đầu tiên Lễ hội Âm nhạc cổ điển diễn ra tại Việt Nam.

Đại diện của UNESCO tại Việt Nam trao thư xác nhận thành phố Đà Lạt chính thức gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đại diện của UNESCO tại Việt Nam trao thư xác nhận thành phố Đà Lạt chính thức gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đà Lạt chính thức được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc vào ngày 31/10/2023.

Ngay khi được công nhận gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đang triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú, thành phố cam kết thực hiện các trách nhiệm khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Đó là cam kết về trách nhiệm di sản âm nhạc của tương lai với 4 nội dung về lưu trữ có hệ thống kho tàng âm nhạc của các dân tộc Đà Lạt; tổ chức các buổi thảo luận do cộng đồng thực hiện; nâng cao năng lực, kỹ năng mềm cho cộng đồng; thử nghiệm sự sáng tạo về âm nhạc. Thành phố cam kết tạo điều kiện phát triển âm nhạc cộng đồng; củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật.

Thành phố Đà Lạt cũng sẽ triển khai các sáng kiến, các giải pháp để phát huy hết tiềm năng sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển. Đồng thời, củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo, xây dựng cho được bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện để làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động thông tin, quảng bá, đầu tư, kết nối cho các bên liên quan trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Cùng với đó, phải xây dựng cho được trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền không gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạo trọng điểm của thành phố, với cơ sở vật chất thích hợp.

Có thể bạn quan tâm