Sống đẹp

Lễ kỷ niệm ngày 3-2 năm ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồi còn trong căn cứ K8 (An Khê), nói là căn cứ, nhưng thật ra vùng phía Đông Nam An Khê thuộc K7 (huyện Kông Chro và Đak Pơ ngày nay) khi ấy là “vùng đệm” giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm.

chao-mung-94-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2024-16224126012024.jpg
Ảnh minh hoạ: Internet

Vì vậy, sự an toàn cũng chưa phải đã đảm bảo bởi địch thường xuyên càn quét, đánh phá cả bằng bộ binh và phi pháo. Nhưng dù sao cũng được coi là hậu cứ của K8.

An Khê ngày đó là quận An Túc thuộc tỉnh Bình Định của chế độ cũ. Nhưng dù khó khăn ác liệt đến mấy, hàng năm, Huyện ủy An Khê (Ban cán sự K8) vẫn triệu tập quân dân chính Đảng tập trung về hậu cứ để tổ chức mít tinh, tọa đàm kỷ niệm những ngày lễ trong năm. Ngày thành lập Đảng (3-2) là một trong những ngày kỷ niệm, ngày lễ trọng.

Khi đó, Ban cán sự K8 có hơn 70 đảng viên, do chú Hồ Ngọc Năm-Tỉnh ủy viên dự khuyết làm Bí thư. Chi bộ nơi tôi làm việc là những đảng viên thuộc bộ phận của Văn phòng Ban cán sự.

Tôi luôn là người được giao nhiệm vụ “cờ đèn kèn trống” cho những buổi mít tinh, tọa đàm; trước hết là cùng bộ phận an ninh vũ trang lo chọn địa điểm phải hội đủ các điều kiện vừa an toàn với máy bay địch trên không và biệt kích dưới mặt đất, nếu có sự cố thì có nơi ẩn nấp và rút lui, lại vừa có không gian rộng đủ để làm “sân khấu”, trang trí cờ, băng rôn, khẩu hiệu.

Kế đến là cắt dán các băng rôn, khẩu hiệu; băng rôn là vải 2 màu xanh hoặc đỏ; chữ cắt bằng giấy trắng dán bằng bột mì khuấy hoặc hồ; ghế ngồi cho đại biểu (ghế là những thân cây gỗ hoặc nứa ghép lại).

Lễ hoặc tọa đàm cũng... ghép như các ngày kỷ niệm gần liền kề với nhau thì ghép lại tổ chức mít tinh, tọa đàm một lần cho tiện lợi. Trong tháng 12 có 3 ngày kỷ niệm là: 19, 20, 22 thì ghép lại tổ chức một lần.

Ngày 19-12 là Ngày toàn quốc kháng chiến, kỷ niệm sự kiện ra đời lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, khởi đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

“...Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Lời kêu gọi ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định đường lối cho cuộc kháng chiến, một cột mốc quan trọng để giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và nền độc lập cho nước nhà. Ngày 20-12 là Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tiền thân của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam).

Đây là tổ chức được thành lập theo đường lối của Đảng với phương châm liên minh những người dân miền Nam Việt Nam có mục tiêu đấu tranh chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Và ngày 22-12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 34 chiến sĩ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy đã không ngừng lớn mạnh về sau, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trở lại chuyện mít tinh, tọa đàm: nội dung của “diễn văn”, “đề dẫn” do Chánh Văn phòng Ban cán sự Lê Thanh Hiển soạn trên cơ sở tài liệu tuyên truyền do cấp trên cung cấp, có gắn với tình hình thực tế của địa phương để ôn lại truyền thống lịch sử, cổ vũ động viên, phát động thi đua trong các lực lượng quân dân chính Đảng sao cho phù hợp.

Riêng ngày 3-2, Ban cán sự K8 năm nào cũng tổ chức sinh hoạt chính trị, tọa đàm, cùng nhau ôn lại truyền thống của Đảng nói chung và của Đảng bộ, quân và dân K8 nói riêng qua các thời kỳ kháng chiến, kiến quốc...

Chúng tôi là những đoàn viên thanh niên được mời tham dự trong các cuộc sinh hoạt, mít tinh, tọa đàm như vậy là rất phấn khởi, hào hứng phát biểu ý kiến, biểu lộ hết tâm tư, tình cảm của mình trong nhận thức về Đảng, về Đoàn, về kháng chiến.

Có những đợt thông qua lễ mít tinh, tọa đàm kỷ niệm những ngày lễ còn gắn với sinh hoạt chỉnh huấn, học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiểm điểm, đánh giá công tác của tập thể, cá nhân, rút ra ưu-khuyết điểm, tìm nguyên nhân khắc phục.

Một lần, khi chuẩn bị khai mạc tọa đàm kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2 năm 1973 thì lãnh đạo phát hiện ra khẩu hiệu trên băng rôn sai vài chữ làm mất nghĩa. Thế là tôi bị... phê bình tại trận. Vội vàng cắt dán lại ngay cho kịp giờ khai mạc. Nhưng với tính có chút “háo thắng”, tôi khẳng định mình không sai, chỉ cắt chữ theo đúng bản thảo do anh Lê Thanh Hiển đưa cho.

Bấy giờ, bản thảo không biết bạn trẻ nào đã táy máy cắt vụn cho vào bao đựng rác. Để chứng minh cho việc mình làm đúng, tôi phải lục lọi, gắn kết lại từng mảnh nhỏ để ghép thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Khi đó, anh Hiển mới... chịu mình viết lộn: “À vậy tao xin lỗi”.

Cuộc tọa đàm kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm ấy còn có nội dung mừng thắng lợi của Hiệp định Paris (27-1-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sự vui mừng, phấn khởi dâng trào trong mỗi lời phát biểu của các đoàn viên và đảng viên trẻ, được lãnh đạo và chỉ huy K8 hoan nghênh, khuyến khích, nhưng cũng kịp thời uốn nắn tinh thần cảnh giác, đánh giá địch-ta và khẳng định Mỹ-Thiệu sẽ phản bội, phá hoại Hiệp định.

Thực tế tại vùng Đông Gia Lai bấy giờ, Hiệp định ký chưa ráo mực, Mỹ-ngụy đã dốc hết lực lượng và mọi thủ đoạn chính trị, quân sự, kinh tế để càn quét, lấn chiếm, bình định, chống phá ta quyết liệt...

“Cho nên cuộc kháng chiến vẫn còn gian nan, ác liệt mới có thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiến tranh mới thật sự chấm dứt”-đó là lời phát biểu của đồng chí Đặng Ngọc Xuân-Ủy viên Ban Thường vụ Ban cán sự phụ trách công tác an ninh K8 mà tôi chưa quên.

Bây giờ, đã là một đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng, nhưng những kỷ niệm về những ngày mít tinh, tọa đàm kỷ niệm các ngày lễ nói chung và ngày thành lập Đảng năm xưa vẫn không hề phai nhạt trong tôi.

Nhớ về những ngày kỷ niệm được tổ chức đơn giản mà đầy ý nghĩa sâu sắc ấy như củng cố cho tôi nhận thức về Đảng, về sự nghiệp vẻ vang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.

Có thể bạn quan tâm