Đô thị

Nhịp sống Đô thị

"Lên đời" cho nhà trọ bình dân ở TP HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở TP HCM, nhà trọ cao tầng với phòng ốc đầy đủ tiện ích đang dần thay thế cho những căn phòng trọ bình dân với tường gạch, mái tôn

"Nhà trọ bình dân với tường gạch, mái tôn không còn hợp thời nữa. Giờ muốn có khách trọ thì phải đầu tư thêm" - ông Sáu, chủ một khu trọ nổi tiếng nằm tại đường số 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TP HCM), nói. Ông chia sẻ ông đang lên kế hoạch phá bỏ 3 khu trọ được xây dựng từ 20 năm trước với quy mô 90 căn.

Đua nhau "lên đời"

Nêu lý do phá bỏ "cần câu cơm" 20 năm qua của gia đình, ông Sáu cho biết nếu như năm 2019, mỗi phòng trọ diện tích 15 m2, ông cho thuê với giá 1,5 triệu đồng. Những năm trước, mỗi khi khách trả phòng là lập tức ông đón thêm lượng khách mới vào ở. Thế nhưng, từ đầu năm 2020, hơn 30% lượng người ở đã chuyển sang nơi khác và cũng đồng nghĩa với hơn 30% số phòng trọ bỏ không kéo dài. "Qua tìm hiểu, tôi thấy xung quanh khu vực nhà trọ của tôi có rất nhiều chủ đất đã đầu tư dạng tòa nhà 5-7 tầng, bên trong có những căn phòng rộng, thoáng và lắp đặt máy lạnh sẵn cho người thuê. Chưa kể, tầng trệt còn xây các ki-ốt để mở hàng quán, công viên và cả khu sinh hoạt công cộng. "Nhìn tổng thể không ai có thể xem đó là nhà trọ. Đặc biệt, so với giá phòng trọ của tôi thì chỉ cao hơn tầm từ 500.000 đến 1,2 triệu đồng/phòng tùy theo diện tích nên khách luôn lấp đầy" - ông Sáu kể.


 

 Công trình nhà trọ của ông Sáu được xây dựng theo chuẩn do Sở Xây dựng TP HCM quy định
Công trình nhà trọ của ông Sáu được xây dựng theo chuẩn do Sở Xây dựng TP HCM quy định


Dấn thêm một bước trong việc "lên đời" nhà trọ, giữa năm 2020, ông Sáu càng bất ngờ khi vừa đến UBND quận Bình Tân để liên hệ hỏi thủ tục đầu tư nhà trọ cho thuê thì ngay lập tức ông được hỗ trợ các thủ tục một cách nhanh chóng. "Ngoài cung cấp hồ sơ hướng dẫn để tôi nắm bắt các quy chuẩn xây nhà, UBND quận còn cung cấp bản vẽ mẫu để bảo đảm chất lượng nơi ở cũng như an toàn PCCC" - ông Sáu kể tiếp. Theo ông, nhờ sự hỗ trợ tối đa của chính quyền mà chi phí xây dựng lại khu nhà trọ cho thuê của gia đình ông giảm hơn 20% so với kế hoạch đưa ra.

Qua 5 tháng xây lại 1 trong 3 khu nhà trọ, theo ông Sáu, tuy không bề thế 5-7 tầng nhưng với thiết kế 1 trệt, 2 lầu, phòng ốc khang trang, đầy đủ thiết bị, khách trọ đã đăng ký hết phòng với giá tiền tăng hơn 400.000 đồng/tháng so với trước. Ông khẳng định trong năm 2021 sẽ vay vốn để nâng cấp hoặc thậm chí xây dựng mới 2 khu nhà trọ còn lại. Bởi ông nhận thấy nếu đầu tư bài bản, ngoài được giá cho thuê còn giữ chân được khách trọ lâu dài. Như vậy, nguồn thu sẽ ổn định.

Tương tự, sau thời gian "cân đong đo đếm", bà Lê Thị Khang (45 tuổi) đã quyết định biến khu nhà trọ bình dân của gia đình đang ế ẩm thành khu nhà trọ quy mô 3 tầng, 25 phòng tại khu dân cư Tên Lửa (Bình Trị Đông B, quận Bình Tân). Chỉ mất 5 tháng thi công, hiện khu nhà trọ chất lượng cao của bà đã phủ kín khách.

Xu thế tất yếu

Bà Khang cho hay lâu nay làm nhà trọ, bà chỉ nghĩ đến việc làm sao có thật nhiều phòng để cho thuê và xây tận dụng tối đa diện tích đất đang có. Tuy nhiên, khi được cấp giấy phép xây dựng theo chuẩn nhà tập thể, nhà cho thuê, bà nhận thấy nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn có cả các không gian chung và tiện ích kèm theo nên thu hút khách trọ là lẽ đương nhiên.

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, đánh giá mô hình nhà cho thuê dài hạn bắt đầu hình thành từ nhiều năm trước, khi một số doanh nghiệp đã xây dựng hẳn nhà cao tầng để cho thuê 30-49 năm. Tuy nhiên, phong trào này chỉ "bùng lên" khi Sở Xây dựng ban hành "Sổ tay hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình tự đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê địa bàn TP".


 

 Chung cư cao tầng của Công ty Lê Thành ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM có nhiều căn hộ cho thuê 49 năm
Chung cư cao tầng của Công ty Lê Thành ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM có nhiều căn hộ cho thuê 49 năm


Bằng chứng là theo thống kê của Sở Xây dựng, từ khi sở này ban hành sổ tay trên đã có đến hơn 200 khu nhà tập thể, nhà cho thuê được xây dựng đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho người nhập cư, người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khu nhà trọ với tường gạch, mái tôn đã được xóa bỏ vì nhu cầu đã giảm và các chủ nhà ý thức hơn việc đầu tư xây dựng nhà trọ một cách bài bản là cách kinh doanh sinh lợi bền vững.

Nói về lý do tham gia xây dựng các khu nhà cho thuê dài hạn và đạt chuẩn, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM XD Lê Thành, nhìn nhận năm qua sản phẩm căn hộ giá bình dân ở TP chỉ chiếm 1% và thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đổ xô làm nhà cao cấp. Trong khi, người thu nhập thấp và dân lao động đang mong muốn có một nơi ổn định ngày càng cao. Thực tế thủ tục để mua nhà ở xã hội gặp khó khăn và thậm chí có dự án nhà ở xã hội gần bằng với dự án nhà ở thương mại. "Để giúp cho người dân có nơi ở khang trang, ổn định trong điều kiện không đủ khả năng mua nhà nên doanh nghiệp chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chung cư cho thuê, nhà cho thuê lên đến 49 năm" - ông Nghĩa chia sẻ, đồng thời tiết lộ, có thời điểm vừa ra mắt là các căn hộ chung cư cho thuê đã lập tức được đăng ký 100%.

 


An tâm vì được an cư

Theo chị Nguyễn Thanh Ngân, từ khi thuê căn hộ 20 m2 với giá tương đương 1,8 triệu đồng/tháng trong vòng 49 năm, chị cảm thấy an tâm hơn khi chọn TP HCM là nơi lập nghiệp. "Thử hỏi, chỉ bỏ ra 1,8-2,5 triệu đồng/tháng tùy theo diện tích căn hộ và chỉ trả thêm tiền điện, nước theo quy định nhà nước là đã có thể có nhà ở lâu dài; ngoài ra còn có người trông giữ xe và cuộc sống chẳng khác gì ở chung cư thì còn gì bằng mà không an tâm" - chị Ngân chia sẻ.

Bài và ảnh: LÊ PHONG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm