Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Lệnh cấm Huawei của Mỹ tác động ra sao đến 5G toàn cầu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Động thái đưa Huawei Technologies vào danh sách đen xuất khẩu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ làm rung chuyển toàn bộ ngành công nghiệp viễn thông thế giới.

 Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters




Theo Bloomberg, cách đây không lâu, công ty Trung Quốc trông như vẫn có thể sống sót qua chiến dịch thuyết phục đồng minh bỏ dùng hàng Huawei của Mỹ song giờ đây, mọi thứ bỗng tệ hơn sau khi Washington mạnh tay đưa Huawei vào danh sách đen xuất khẩu. Động thái từ Mỹ đe dọa cắt đứt nhà cung ứng thiết bị mạng lớn nhất kiêm hãng smartphone lớn nhì thế giới khỏi phần mềm, chất bán dẫn “made in USA” vốn rất cần để sản xuất sản phẩm.

Quyết định của Mỹ không thể đến vào thời điểm tệ hơn với nhiều nhà mạng, các bên rục rịch chuẩn bị triển khai mạng 5G - công nghệ hứa hẹn đặt nền tảng cho xe tự lái, thành phố thông minh và internet vạn vật trong tương lai. Dưới đây là các khía cạnh mà lệnh cấm Huawei của Mỹ có thể tác động đến 5G thế giới.

Chi phí và sự chậm trễ

Huawei đã và đang nỗ lực vượt trước đối thủ, trở thành cái tên hàng đầu trong làng 5G. Đến nay, hãng ký tổng cộng 40 hợp đồng thương mại 5G, hơn một nửa trong số này là ở châu Âu, theo Chủ tịch Huawei Liang Hua.

Những nhà mạng dẫn đầu trong việc triển khai 5G như Vodafone và BT Group của Anh dành hằng tháng để dựng hàng ngàn ăng-ten 5G ở trung tâm các thành phố lớn tại Anh để chuẩn bị ra mắt 5G trong vài tuần tới. Nhiều trong số các ăng-ten này là hàng Huawei.

Huawei bị loại khỏi phần lõi của nhiều mạng viễn thông châu Âu. Phần lõi vốn là lớp đặc biệt với nhiều thông tin nhạy cảm và quyền kiểm soát. Dù thế, hãng vẫn là cái tên thống trị phân khúc sinh lợi còn lại, chủ yếu gồm ăng-ten radio. Biện pháp trừng phạt mới từ Mỹ làm dấy lên vấn đề nan giải mà các nhà mạng phải đối mặt: Liệu có nên gắn bó với Huawei qua “cơn bão” này, hay bỏ ngay công ty Trung Quốc để đến với các doanh nghiệp như Samsung Electronics, Nokia và Ericsson?

Từ bỏ Huawei đồng nghĩa với việc nhà mạng phải loại bỏ nền tảng 4G của Huawei mà họ dự tính nâng cấp lên 5G. Đây là chuyện sẽ làm tốn hàng tỉ USD, tác động mạnh đến sức cạnh tranh và sự đổi mới trên thị trường. Huawei chiếm khoảng 1/3 thị trường thiết bị mạng châu Âu. Bỏ tất cả cơ sở hạ tầng của Huawei sẽ là lựa chọn gây thiệt hại hàng tỉ USD cho ngành viễn thông, khiến 5G ở đây chậm trễ ít nhất 18 tháng, theo Deutsche Telekom.

“Nó hệt như là đặt quả bom dưới một tòa nhà, sau đó xây lại nó”, Reza Hagel, CEO hãng tư vấn mua sắm viễn thông Focus, nhận định.

Điện thoại và phần mềm


 

Một nhân viên nhà mạng EE ở Anh đang kiểm tra thiết bị Huawei
Một nhân viên nhà mạng EE ở Anh đang kiểm tra thiết bị Huawei



Một số nhà sản xuất điện thoại bắt đầu tung smartphone 5G. Nếu các nhà mạng bị buộc phải bỏ hoàn toàn hàng Huawei, việc có mạng 5G hoàn thiện để phục vụ số thiết bị cầm tay sắp ra thị trường sẽ lỗi hẹn đáng kể.

Ngay cả khi các mạng di động chịu được “trận động đất cơ sở hạ tầng”, Huawei vẫn là một trong các nhà sản xuất ít ỏi có smartphone sẵn sàng kết nối 5G cho người tiêu dùng, dù mẫu smartphone này dựa vào Android của Google và còn chưa mở bán.  

Theo lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ, Google không được phép cung cấp hệ điều hành di động cho Huawei sau thời hạn 90 ngày. Công ty Trung Quốc có thể đối mặt với lựa chọn khó khăn, đắt đỏ không kém gì các nhà mạng: Tung điện thoại với phần mềm mà số đông người tiêu dùng không muốn sử dụng, hoặc không tung gì cả. Hẳn nhiên lựa chọn thứ nhì sẽ làm lợi cho đối thủ Hàn Quốc Samsung Electronics, hãng đã có bản 5G cho dòng Galaxy.

Hãng cung ứng và nhà mạng nhỏ

Ngoài thiết bị mạng và smartphone, Huawei còn sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, phần cứng máy tính doanh nghiệp, bộ định tuyến gia đình và đồng hồ thông minh. Tất cả các dòng sản phẩm đều bị đe dọa bởi lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ vì Huawei phụ thuộc nhiều vào linh kiện Mỹ để sản xuất chúng.

Các nhà sản xuất bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã nói với nhân viên rằng họ không cung ứng hàng cho Huawei cho đến khi có thông báo mới. Doanh nghiệp công nghệ Mỹ nhỏ hơn có thể chịu tác động lớn hơn. Đơn cử, hãng chip NeoPhotonics có đến 40% doanh số phụ thuộc vào Huawei, trong khi Qorvo và Skyworks Solutions có lần lượt 11% và 10% doanh số phụ thuộc Huawei.

Seagate Technology, nhà cung ứng ổ cứng, có tầm 5% doanh số gắn liền với Huawei. Ngay cả hãng sản xuất kính cường lực được dùng để bảo vệ màn hình thiết bị di động Corning cũng có Huawei là khách hàng.

Tại Mỹ, chuyện mua thiết bị Huawei giới hạn ở các nhà mạng nhỏ hơn. Đây là các hãng ngoài bộ tứ AT&T, Verizon Communications, T-Mobile, Sprint. Họ ưa chọn hàng chi phí thấp. Ví dụ, khách hàng của Huawei như Eastern Oregon Telecom, đơn vị cung cấp dịch vụ băng thông rộng và điện thoại cho 4.000 khách hàng ở khu vực xa xôi tây bắc Mỹ, hiện nỗ lực tìm hiểu xem hoạt động của họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao.

Thu Thảo (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm