Thời sự - Bình luận

Liên kết để gia tăng giá trị, thương hiệu gạo Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bộ Công thương đang dự thảo tờ trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia sau khi có sự thống nhất cao với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia được cho là cần thiết, giúp khắc phục tình trạng thiếu liên kết, phát triển bền vững ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam uy tín, có giá trị cao, xứng tầm quốc gia thế mạnh về xuất khẩu gạo nhất nhì của thế giới.

Tiếp đà bội thu trong năm 2023, từ đầu năm đến giữa tháng 7, nước ta đã xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo, thu về gần 3,1 tỷ USD. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm nay, nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,6-8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 5 tỷ USD.

Thành tích là vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thì ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta vẫn thiếu tính chiến lược hay nói cách khác là thiếu một chính sách để phát triển ổn định, vững chắc. Các chuyên gia cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều vấn đề. Đó là thị trường xuất khẩu chưa đa dạng; chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam còn thấp. Ngay cả trong giai đoạn gạo Việt Nam “được giá” thì thu nhập của người trồng lúa vẫn không cao, không tương xứng so với thu nhập của các thành phần trong chuỗi sản xuất-kinh doanh-xuất khẩu; còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo hoặc không nỗ lực nắm giữ, phát triển thị trường để củng cố thương hiệu…

Một tồn tại nữa là việc đầu tư cho sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo chưa xứng tầm, nhất là đầu tư vào khâu giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến… dẫn đến sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng, sản xuất lúa gạo vừa là nạn nhân cũng vừa là tác nhân góp phần làm biến đổi khí hậu, do gây ra 10% lượng khí thải metal toàn cầu.

Trong định hướng phát triển bền vững, sản xuất “xanh”, bắt nhịp với xu hướng của thế giới, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ngành hàng sản xuất lúa gạo nước ta đã có những chuyển động tích cực như đang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giai đoạn đầu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến trình “xanh” này có một công cụ hỗ trợ hết sức quan trọng, đó là hệ sinh thái dữ liệu số, bước đầu được triển khai 7 năm qua tại 9 tỉnh, thành trong khu vực, lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất, giúp tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa từ đồng ruộng, nông hộ, hợp tác xã tới cấp vùng và quốc gia.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cùng với công nghiệp thì nông sản (gồm cả lúa gạo), sản phẩm truyền thống gắn bó bao đời với người Việt, cũng sẽ được nâng tầm giá trị, từ quy trình canh tác tới chế biến, xây dựng thương hiệu. Không chỉ là ở tốp đầu thế giới về “lượng” mà hạt gạo Việt khi ra thế giới hoàn toàn có thể trở thành niềm tự hào của đất nước về “chất”, về giá trị trong tăng trưởng “xanh”.

Trên cơ sở chiến lược này, các địa phương, vùng miền cũng sẽ tự biết cách cân nhắc để duy trì diện tích lúa bao nhiêu là vừa, loại giống nào là phù hợp, canh tác theo kỹ thuật, công nghệ gì để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, giá trị và an toàn về môi trường. Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao giá trị hạt gạo thông qua việc làm phong phú sản phẩm nhờ hoạt động chế biến. Giống như người Nhật đã quảng bá văn hóa truyền thống qua các món ăn như: sushi, onigiri (cơm nắm), mochi (bánh giầy)... Đây là những đặc sản thường được giới thiệu là chỉ ăn ngon, đúng chuẩn khi sử dụng gạo Nhật.

Một tổ chức như Hội đồng lúa gạo quốc gia (theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công thương) sớm được thành lập là cần thiết để làm đầu mối điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam. Để không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà còn duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu gạo có uy tín của thế giới.

Việc đến nay chúng ta mới đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia cũng xem như đã muộn khi nhiều nước đã làm. Nhưng muộn còn hơn không. Thái Lan đã có Hội đồng lúa gạo, Indonesia có Hội đồng cọ dầu, Brazil có Hội đồng cà phê... Những bài học thành công của họ hoàn toàn có thể trở thành kinh nghiệm để Việt Nam gặt hái thành quả, để “hạt gạo làng ta” xứng đáng là “hạt vàng”.

Có thể bạn quan tâm