(GLO)- 2 năm trở lại đây, bà con nông dân tại một số địa phương bắt đầu liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang sản xuất dâu tằm. Bước đầu, mối quan hệ này đã góp phần xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
Hướng đi phù hợp
Năm 2017, giữa lúc nông dân loay hoay tìm cây trồng mới để thay thế những vườn hồ tiêu bị chết, giá giảm mạnh thì Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang đã chủ động phối hợp với một số địa phương khảo sát điều kiện thổ nhưỡng nhằm xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm. Sau khi đưa một số hộ nông dân đi tham quan, học tập mô hình trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty bắt đầu triển khai tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Ia Grai... với diện tích 30 ha. Đặc biệt, giữa nông dân và doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định thông qua các tổ hợp tác. Theo đó, Công ty hỗ trợ nông dân 50% chi phí đầu tư giống dâu, giống tằm, các loại vật tư, dụng cụ trồng dâu nuôi tằm… theo phương thức trả chậm không tính lãi.
Ông Nguyễn Văn Lên (thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá, huyện Chư Sê) bên vườn dâu trồng để nuôi tằm. Ảnh: N.D |
Ông Nguyễn Văn Lên (thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá, huyện Chư Sê) cho biết: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, năm 2019, gia đình tôi đã chuyển đổi 8 sào đất trồng hồ tiêu bị chết và cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, việc trồng dâu nuôi tằm của gia đình phát triển rất thuận lợi và cho thu hoạch những mẻ kén đầu tiên bán với giá 110-120 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 150 ngàn đồng/kg. Vì vậy, gia đình tôi có nguồn thu nhập thường xuyên”.
Cùng niềm vui này, ông Đỗ Xuân Lượng (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho hay: “Gia đình tôi đã trồng dâu nuôi tằm từ những năm 1991-1992, sau đó mới chuyển sang trồng hồ tiêu và cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ tiêu bị chết nhiều, kinh tế gia đình theo đó gặp khó khăn. Năm 2018, tôi qua xã Ia Bă thấy Tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm ở đây phát triển mạnh và có đầu ra ổn định. Vì vậy, tôi quyết định chuyển 1 sào đất hồ tiêu chết sang trồng dâu nuôi tằm có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua hơn 1 năm nuôi tằm, đến nay, gia đình tôi đã thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng. Hiện tôi đã trồng thêm 3 sào dâu nữa để nuôi tằm vì nghề này không cần nhiều nhân công, vốn đầu tư cũng thấp. Đặc biệt, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang giúp người dân yên tâm về đầu ra”.
Đôi bên cùng hưởng lợi
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 300 hộ nông dân tham gia các tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm có liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang. Diện tích trồng dâu nuôi tằm theo hình thức liên kết cũng đã tăng từ 30 ha ban đầu lên khoảng 300 ha. Đặc biệt, Công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ 1 đến 3 năm với nhiều hình thức như: thu mua lá dâu giá 5.000 đồng/kg; kén tằm giá tối thiểu 120 ngàn đồng/kg. Nếu giá trên thị trường cao hơn giá tối thiểu thì Công ty sẽ mua bằng giá thị trường, chỉ trừ 5.000 đồng/kg tiền vận chuyển.
Ông Lượng bên mẻ kén tằm. Ảnh: N.D |
Ông Lên cho biết thêm: “Sắp tới, gia đình tôi sẽ ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang với giá ổn định 120 ngàn đồng/kg, còn giá lên thì Công ty mua theo giá thị trường. Với mức giá này, gia đình chỉ lo tập trung đầu tư thâm canh cây dâu để tăng năng suất”.
Ông Phạm Quốc Hưởng-Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang-cho biết: “Thuận lợi của Công ty là được các ngành, địa phương ủng hộ xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm bền vững để 2 bên cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các hộ dân thiếu vốn đầu tư sản xuất, trong khi nguồn lực đầu tư của Công ty có hạn, chỉ hỗ trợ được một nửa dù nhiều hộ đăng ký nên diện tích chưa nhiều. Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ tại Khu Công nghiệp Trà Đa để không phải vận chuyển nguyên liệu qua nhà máy bên Lâm Đồng, góp phần giảm hao hụt, giảm giá cước vận chuyển, từ đó có thể thu mua với giá cao hơn cho người dân”.
NGUYỄN DIỆP