Pháp luật

Tin tức

Liên quan đến vụ Công ty Cà phê Đak Đoa: Từ yêu sách vô lý đến vi phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đak Đoa (Gia Lai) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về hành vi chiếm đoạt tài sản và giữ người trái pháp luật (Báo Gia Lai Điện tử đã đưa tin). Vậy từ đâu dẫn đến hệ lụy này?

Đòi khoán trắng và buộc giám đốc từ chức

Liên tục trong các ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12-2011, hàng trăm công nhân thuộc Công ty Cà phê Đak Đoa đã kéo về trụ sở Công ty (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) để phản đối việc giao khoán vườn cây của Công ty. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2006 đến 2010, Công ty thực hiện phương án khoán sản phẩm theo hình thức khoán chăm sóc vườn cây: Công ty đầu tư toàn bộ chi phí, người lao động thực hiện việc chăm sóc vườn cây theo quy trình kỹ thuật và hàng tháng nhận lương, cuối năm thu hoạch sản phẩm nộp về cho Công ty 11.300 kg cà phê tươi, số sản phẩm vượt khoán công nhân được hưởng theo giá thị trường tại thời điểm giao sản phẩm, chốt giá. Từ năm 2010, Công ty đã xây dựng phương án khoán mới dự kiến áp dụng từ 2011-2015. Đây là phương án xây dựng cơ bản theo tinh thần Nghị định 135 của Chính phủ, Thông tư 102 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam nhằm huy động vốn đầu tư của công nhân, cơ bản hài hòa với lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến cuối năm 2011 phổ biến rộng rãi đến công nhân của Công ty để thực hiện. Theo phương án khoán mới thì để gắn kết trách nhiệm và nhằm tăng hiệu quả đầu tư của công nhân vào vườn cây, Công ty chỉ thu về 7.286 kg/ha cho toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu, khấu hao tài sản, trả vốn vay và cho việc vận hành bộ máy hành chính của Công ty; công nhân chăm sóc vườn cây sẵn có và đầu tư công lao động, dụng cụ lao động được thu về 4.014 kg/ha, ngoài ra toàn bộ sản phẩm vượt khoán, công nhân vẫn được hưởng theo giá thị trường. Như vậy, theo phương án khoán mới năm 2011-2015, theo giá thị trường ở thời điểm hiện nay đang mùa thu hoạch thì ngoài sản phẩm giao nộp về cho Công ty, người lao động còn thu khoảng gần 40 triệu đồng, chưa kể tiền thu từ cà phê vượt khoán trong khi mức lương theo phương án khoán cũ chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/người/năm.

Theo tìm hiểu thực tế và số liệu chúng tôi có được thì nhiều công nhân hàng năm vượt khoán nhận về với số tiền hàng trăm triệu đồng. Vì lý do đó, đa số công nhân đã ký với Công ty Cà phê Đak Đoa theo phương án khoán mới.

Tuy nhiên, một số công nhân vẫn không đồng tình với phương án khoán mới và họ đã kích động thêm hàng trăm công nhân khác tổ chức khiếu kiện tập thể, không ký hợp đồng khoán mới, cũng không chấp nhận phương án khoán cũ mà đòi Công ty phải khoán trắng vườn cây, tức là giao vườn cà phê của Nhà nước cho công nhân để tự họ đầu tư, chăm sóc và cuối năm nộp sản lượng cho Công ty. Như vậy, theo đòi hỏi của số công nhân này thì bộ máy hành chính của Công ty gần như giải tán và cuối năm tập trung lại để thu sản phẩm(?). Vô lý hơn, số công nhân này còn buộc Giám đốc Công ty phải từ chức, thay giám đốc mới.      

Xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu vụ gây rối

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Công ty Cà phê Đak Đoa đã thông báo tổ chức họp đối thoại với số công nhân này nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết tình hình cũng như giải thích những vấn đề công nhân chưa hiểu và bàn bạc phương án khoán cho phù hợp với lợi ích của người lao động và Công ty. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cũng đã cử ông Nguyễn Văn Trương- Phó Tổng Giám đốc vào làm việc với công nhân Công ty. Tuy nhiên, số công nhân này với sự kích động, xúi giục của một số đối tượng cầm đầu đã tụ tập về Công ty la lối, đòi yêu sách, không cho tổ chức cuộc họp. Họ còn bày ra cảnh nấu cháo trắng tại sân Công ty để quay phim, chụp ảnh, tung lên mạng internet và cho rằng hiện nay công nhân đang có cuộc sống cực kỳ khó khăn và Công ty hiện đang đẩy công nhân vào bước đường cùng.


Trong tình hình mất ổn định tại đây, Công ty đã quyết định tạm dừng việc thu hái cà phê để giải quyết dứt điểm vụ việc. Nhưng lợi dụng thời điểm này một số công nhân vẫn tự ý ra vườn, thuê mướn nhân công bên ngoài hái cà phê mang về nhà và bán ra ngoài với con số ước tính lên đến hàng trăm tấn. Ngày 9-12, sau khi đoàn công tác liên ngành gồm Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND huyện Đak Đoa vào làm việc, khảo sát thực tế và có báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, bà Vũ Thị Hiền- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý tỉnh Gia Lai đã có buổi tuyên truyền, tư vấn pháp lý cho hơn 200 công nhân của Công ty, tuy nhiên một số đối tượng đã cản trở và giữ bà Hiền với lý do “Không đủ khả năng, tư cách tư vấn pháp lý”(?). Cho đến khi lực lượng chức năng vào thì số công nhân này mới chịu thả bà Hiền.

Căn cứ vào các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, sáng 16-12-2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Công an huyện Đak Đoa đã thi hành lệnh bắt, khám xét nơi ở đối với các đối tượng: Nguyễn Hữu Vững (48 tuổi), Phạm Đình Hóa (36 tuổi, cùng trú tại xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) bị khởi tố về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tại nhà Vững, cơ quan chức năng thu giữ hơn 20 tấn cà phê; còn tại nhà Hóa, thu giữ hơn 2 tấn cà phê.

Đây là số cà phê mà Vững và Hóa đã ngang nhiên thu hái của Công ty Cà phê Đak Đoa mang về nhà, chưa kể số cà phê đã bị các đối tượng bán đi. Cùng bị khởi tố về tội danh này còn có Đặng Đức Trung (27 tuổi, trú xã Tân Sơn, TP. Pleiku) nhưng đối tượng này đã bỏ trốn, đến ngày 17-12, Trung đã đến cơ quan Công an đầu thú. Ba đối tượng còn lại gồm: Phạm Thị Bảy (44 tuổi), Lê Thị Hương (26 tuổi) và Trần Thị Dàn (40 tuổi, cùng trú tại xã Đak Krong) bị khởi tố về hành vi giữ người trái pháp luật. Trước đó, Công an huyện Đak Đoa cũng đã khởi tố và bắt tạm giam 2 đối tượng khác là Trịnh Văn Tâm và Vũ Xuân Thành về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Sau khi cơ quan Công an bắt các đối tượng vi phạm pháp luật, tối 16-12-2011, Công an tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê Đak Đoa và các cơ quan chức năng tổ chức họp, thông báo về việc bắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Báo cáo từ đội trưởng các đội sản xuất cho biết, công nhân rất đồng tình với việc bắt các đối tượng; đồng thời đã có 34 công nhân xin được nộp lại sản phẩm cà phê đã thu hái trái phép của Công ty mang về nhà. Cho đến nay, tình hình tại Công ty đã ổn định, công nhân trở lại vườn cây tiếp tục thu hái theo mùa vụ.

Bàn đến phương án khoán, mức khoán như thế nào cho phù hợp với lợi ích của người lao động và lợi ích của Nhà nước hiện đang được Chủ tịch UBND tỉnh và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo các ngành liên quan và Công ty Cà phê Đak Đoa giải quyết, tìm ra giải pháp thỏa đáng. Tuy nhiên, việc tổ chức khiếu kiện đông người, gây rối trật tự và hành vi chiếm đoạt tài sản Nhà nước, giữ người trái pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trần Công- Thanh Hải
 

Có thể bạn quan tâm