Chính trị

Tin tức

Liên tiếp dự G7 và G20, Việt Nam ngày càng có vị thế quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần thứ 2 được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, tiếp sau một loạt thành công về ngoại giao trong năm 2017, cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng được công nhận.

Ngày 9-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Sự tham dự của Việt Nam tại G7 diễn ra không lâu sau khi Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 mở rộng tháng 7-2017, cũng như thành công của APEC 2017 do Việt Nam làm chủ nhà, là minh chứng cho thấy vị thế của Việt Nam đang ngày càng được công nhận trên trường quốc tế.

Sự công nhận của các cường quốc với Việt Nam

Việt Nam khởi động quá trình hội nhập từ năm 1992 khi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tiền đề cho việc gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995.

Sau chặng đường 20 năm, tham gia ngày càng sâu rộng với các cơ chế, tổ chức đa phương, Việt Nam đã tiến những bước dài, cho thấy vị thế và tầm quan trọng của mình trên trường quốc tế.

"Việt Nam ngày hôm nay mang một bộ mặt rất khác so với những ngày đầu bước vào vũ đài chính trị khu vực trong thập niên 90. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam cho thấy tiềm năng và sự chủ động lớn trong các quyết sách cũng như đóng góp của mình cho cộng đồng quốc tế", giáo sư Derek McDougall, chuyên gia chính trị châu Á từ Đại học Melbourne, nói với Zing.vn.


 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị G20 ở Hamburg tháng 7/2017. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị G20 ở Hamburg tháng 7/2017. Ảnh: Getty.



Đồng quan điểm với ông McDougall, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, trụ sở Singapore, nhận định việc G20 và nay là G7 mời Việt Nam tham dự các hội nghị mở rộng cho thấy thế và lực của Việt Nam đã gia tăng đáng kể.

"G20, G7 là các nhóm mà chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào kinh tế. (Việc các nhóm này mời Việt Nam tham dự) cho thấy họ đã có sự công nhận vai trò kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam, không những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với Zing.vn.

Không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế, các chuyên gia có chung nhận định Việt Nam đang cho thấy sự chủ động và tích cực ngày càng lớn trong hai lĩnh vực cực kỳ quan trọng là hợp tác chính trị và duy trì an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hiện đóng vai trò then chốt trong chính sách đối ngoại của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

 

 



"Những diễn biến này cho thấy đã có những điều chỉnh nhỏ, dù nhỏ nhưng quan trọng, về trọng tâm làm việc của G7 và G20. Ngoài thảo luận về các vấn đề kinh tế và phát triển, các nhóm này giờ thảo luận nhiều hơn đối với các vấn đề an ninh", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận xét.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng G7 năm nay ở Canada, Việt Nam với tư cách khách mời được kỳ vọng sẽ đưa ra các sáng kiến, đề xuất chính sách từ góc nhìn của một quốc gia đang phát triển.

Ý kiến của những quốc gia khách mời như Việt Nam có thể giúp các nước G7 xây dựng chính sách phù hợp với tình hình thế giới, từ đó tạo ra môi trường chính trị - an ninh hài hòa lợi ích của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới.

Chuyển mình thành cường quốc tầm trung

"Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn. Việt Nam nay đã có sự tự tin lớn hơn để mang cái chiêng ấy ra nước ngoài, để gióng lên tiếng nói cho bạn bè quốc tế cùng nghe. Điều này cho thấy Việt Nam đã có thực lực lớn hơn để hậu thuẫn cho các hoạt động đối ngoại của mình", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận xét.

Trong khoảng thời gian đầu trở lại với sân chơi quốc tế, Việt Nam ở thế thăm dò, học hỏi, chủ yếu là tham gia các cơ chế quốc tế đã có sẵn. Vài năm trở lại đây, Việt Nam cho thấy thay đổi trong tư duy hội nhập của mình, chủ động kiến tạo và tham gia xây dựng các cấu trúc kinh tế - chính trị - an ninh khu vực, đồng thời thiết lập luật chơi đi kèm các cấu trúc đó.


 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sánh bước cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2017. Ảnh: AFP.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sánh bước cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2017. Ảnh: AFP.



"Vai trò của Việt Nam thời gian qua ngày càng nổi bật. Vị trí địa chính trị cũng như chính sách đối ngoại - an ninh linh hoạt đã giúp Việt Nam trở thành một đối tác giá trị đối với các cường quốc có nhiều lợi ích tại châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia và đặc biệt là Mỹ", Giáo sư Tony Milner, giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á của Đại học quốc gia Australia, đánh giá.

Các chuyên gia có chung nhận định Việt Nam có thể nghĩ tới việc xác định mình là một cường quốc tầm trung tại khu vực. "Xét về tầm vóc, Việt Nam đã đạt được nhiều cột mốc đáng chú ý, nay có thể được coi là nền kinh tế tầm trung và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Xét về vai trò, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực và chủ động, như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, tham gia xây dựng các hiệp định thương mại tự do khu vực như CPTPP", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đánh giá.

Dẫu còn một số giới hạn về tầm vóc và vai trò quốc tế, các chuyên gia nhận định Việt Nam nên định vị bản thân như một cường quốc tầm trung để từ đó có tư duy chính sách đối ngoại mạch lạc, tham gia sâu rộng hơn, đóng vai trò lớn hơn trong định hình tương lai khu vực và tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của mình.

"Sự tham dự nhiều hơn của Việt Nam vào sân chơi khu vực tốt cho cả Việt Nam cũng như các bên có lợi ích liên quan. Trong bối cảnh các bên đều hướng tới một mức độ cân bằng nhất định và ổn định lâu dài tại khu vực, một Việt Nam mạnh, độc lập và có tiếng nói là điều được trông đợi", Giáo sư Milner cho biết.

Mới đây, Việt Nam đã được đề cử trở thành đại diện duy nhất của nhóm các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2020-2021. "Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam giành được sự tín nhiệm rất lớn tại khu vực", Giáo sư McDougall đánh giá.

Mặc dù vậy, con đường tiến tới vị thế một cường quốc tầm trung của khu vực vẫn còn rất dài. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế như hiện tại, tiến tới tăng trưởng bền vững và trở thành quốc gia công nghiệp có thu nhập cao. Việt Nam cũng cần tiếp tục đóng vai trò tích cực tại các diễn đàn khu vực về hợp tác chính trị và an ninh.

"Sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tư duy đối ngoại để phù hợp với diễn biến thay đổi rất nhanh chóng của môi trường chính trị an ninh khu vực. Việt Nam đặc biệt cần phát triển đội ngũ các nhà ngoại giao, chiến lược gia có sự nhạy bén và tư duy phân tích, giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội và hạn chế các rủi ro", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định.

Duy Anh (zing)

Có thể bạn quan tâm