TN - Đất & Người

Liên tục xảy ra tai nạn lao động khi thu hoạch nông sản ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian gần đây, Đắk Lắk liên tục ghi nhận các trường hợp gặp tai nạn lao động khi đang thu hoạch hồ tiêu. Trong đó, có nhiều trường hợp bị chấn thương nặng phải điều trị nhiều ngày trong bệnh viện tuyến cuối.

Người dân Đắk Lắk thu hái tiêu. Ảnh: Bảo Trung

Người dân Đắk Lắk thu hái tiêu. Ảnh: Bảo Trung

Thời gian gần đây, Đắk Lắk liên tục ghi nhận các trường hợp gặp tai nạn lao động khi đang thu hoạch hồ tiêu. Trong đó, có nhiều trường hợp bị chấn thương nặng phải điều trị nhiều ngày trong bệnh viện tuyến cuối.

Mất an toàn khi thu hái hồ tiêu

Được biết, để hái tiêu, người lao động phải sử dụng thang cao khoảng 6-7m. Tiếp đó, họ trèo lên cao và đứng chênh vênh như vậy, không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.

Có thời điểm, người hái lúc chỉ dùng chiếc dây mỏng manh để giữ người và thang.

Ông Huỳnh Ngọc Hai (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) chia sẻ: "Nhà tôi có 2 người đi hái tiêu, mỗi ngày thu nhập khoảng 220.000-250.000 đồng/người. Mỗi lần làm việc, tôi cũng rất lo vì lỡ sơ suất hay gió dễ bị tai nạn, tiền công lại rẻ, giá tiêu thì năm được năm mất. Tôi làm cũng để có tiền trang trải cuộc sống qua ngày chứ không làm giàu được bằng nghề này".

Trong quá trình thu hái, nhiều người không mang đồ bảo hộ, dụng cụ cũng rất sơ sài. Ảnh: Bảo Trung

Trong quá trình thu hái, nhiều người không mang đồ bảo hộ, dụng cụ cũng rất sơ sài. Ảnh: Bảo Trung

Còn theo bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin): "Năm 2022 lúc đầu mùa, tiêu có giá hơn 80.000 đồng/kg, năm nay mới hơn 60.000 đồng/kg. Công năm nay lại cao hơn năm ngoái nên người trồng không lãi được bao nhiêu. Nhà tôi có tổng cộng 6 sào tiêu, năng suất năm nay ước khoảng 2,5 đến 3 tấn.

Khi thuê công hái tiêu, tôi cũng dặn dò bà con cẩn thận, đặt thang cho an toàn, chắc chắn rồi mới leo lên. Nếu gió quá, tôi phải cho họ nghỉ, không nên hái để đảm bảo cho họ vì nhiều tai nạn lao động đã xảy ra, có trường hợp tử vong".

Thực tế, đã có không ít trường hợp xảy ra tai nạn khi thu hoạch tiêu. Là vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk với hơn 4.600ha, huyện Cư Kuin thường xuyên ghi nhận các trường hợp tai nạn do thu hái hồ tiêu.

Tai nạn trong quá trình hồ tiêu thường xuyên xảy ra ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Tai nạn trong quá trình hồ tiêu thường xuyên xảy ra ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Cảnh Danh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) - thông tin, bà con trong quá trình thu hái dựng thang không đảm bảo, leo cao bất chấp nguy hiểm. Trong khi đó, thang lại không có dây đỡ, bị chệch, nên bà con rơi xuống gãy chân, gãy tay, thậm chí mất mạng khi thu hái hồ tiêu.

Liên tục có người trọng thương, nhập viện

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong mùa vụ thu hoạch tiêu (từ tháng 2 đến cuối tháng 3), đơn vị tiếp nhận khoảng 20 đến 30 trường hợp bị tai nạn do té ngã khi hái tiêu. Trường hợp bị nhẹ thì gãy chân, tay còn nặng thì bị gãy đốt sống cổ, gãy đốt sống lưng, chấn thương sọ não, để lại di chứng nặng nề, phải chuyển tuyến, thậm chí tử vong.

Nhiều trường hợp đã phải nhập viện do gặp tai nạn trong quá trình hái hồ tiêu. Ảnh: Bảo Trung

Nhiều trường hợp đã phải nhập viện do gặp tai nạn trong quá trình hái hồ tiêu. Ảnh: Bảo Trung

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận, đầu năm nay, đơn vị tiếp nhận 3 trường hợp bị thương đốt sống cổ, dập, tổn thương tuỷ cổ vì tai nạn trong quá trình thu hái tiêu. Bệnh nhân phải xin đi TP.HCM điều trị nhưng chấn thương rất nặng nề. Khi người bệnh bị tổn thương tuỷ rất nguy hiểm, liệt tứ chi. Bệnh nhân cũng không thở được và có thể tử vong.

Đa số các trường hợp bị tai nạn đều không có bảo hộ lao động.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu phát hiện người bị thương do ngã từ trên cao, không nên khiêng vác thô bạo, để bệnh nhân duỗi thẳng, có thể sử dụng băng ca hoặc tấm gỗ cứng để di chuyển hoặc để nguyên vị trí và gọi cấp cứu, đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Có thể bạn quan tâm