TN - Đất & Người

Liều mình tìm giải pháp "cứu" cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, hàng nghìn nông dân trồng tiêu ở Tây Nguyên - nơi có vùng chuyên canh hồ tiêu lớn ở Việt Nam - gặp cảnh tiêu chết hàng loạt, giá tiêu hạt rớt thảm… phải bán tống bán tháo đất đai, nhà cửa; đi làm thuê ở các thành phố lớn để lấy tiền trả nợ.
Những người còn bám lại để trồng hồ tiêu vùng đất này đã trông chờ vào một… "phép màu".
"Phép màu" ấy là mô hình sử dụng phân Đầu Trâu cải tiến cho hồ tiêu kinh doanh tại Tây Nguyên - chương trình nghiên cứu phi lợi nhuận được kết hợp giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhằm nghiên cứu giải pháp "cứu" vùng nguyên liệu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ ở đại ngàn Tây Nguyên.
 
TS Phạm Công Trí (thứ 2, từ phải sang), cùng các chuyên gia nông nghiệp khảo sát mô hình cải tạo vườn tiêu tại xã Đăk Rmoan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông.
TS Phạm Công Trí (thứ 2, từ phải sang), cùng các chuyên gia nông nghiệp khảo sát mô hình cải tạo vườn tiêu tại xã Đăk Rmoan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông.
Trăn trở với vùng nguyên liệu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam
Trong cơn mưa dần nặng hạt, con đường đất đỏ dẫn vào xã  Đăk Rmoan (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông), càng thêm lầy lội, khó đi. Trong cái ái ngại của cả đoàn khảo sát gồm các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Công ty CP Phân bón Bình Điền - "Hay quay lại TP Gia Nghĩa nghỉ ngơi cho qua hết cơn mưa rồi tính tiếp…" - Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, bác bỏ: "Đã hẹn với nông dân thăm vườn rồi, hơn nữa phải nhanh chóng tiến hành khảo sát kết quả của mô hình để đánh giá, nếu tốt thì phải chuyển giao sớm cho bà con nông dân để kịp thời cứu vườn hồ tiêu".
Vậy là, sau những lầy lội của bùn đất, của những cú ngã đau điếng vì trơn trượt, đoàn khảo sát cũng tới được vườn hồ tiêu của nông dân Nguyễn Bá Duẩn. Chỉ những cọc hồ tiêu xanh um, chi chít những chùm quả, anh Duẩn cho hay, trước đây vườn tiêu của gia đình anh có tỷ lệ "tiêu điên" rất nhiều, nhiều cây chết (chết chậm và cả chết nhanh), do sử dụng phân không đúng mức, thêm vào đó là tình trạng mua phải phân kém chất lượng nên cây tiêu ngày càng xuống sức…
"Năng suất lúc đó chỉ có chừng nửa kg/trụ, thậm chí nhiều trụ chẳng ra nổi quả, cây dần chết đứng. Quan điểm của tôi lúc đó là… thà đói chứ không để cây tiêu đói, vì vậy cứ tiếp tục mua phân bón vào, kết quả là hầu như 80-90% vườn tiêu vàng lá (bệnh chết chậm), xoăn lá. Khi đang cảm thấy bế tắc thì bất ngờ có cán bộ kỹ thuật của WASI vào đề nghị triển khai giải pháp cứu vườn, tôi đồng ý liền", anh Duẩn kể. Cũng theo anh Duẩn: "Đến bây giờ thì tôi rất ưng ý với vườn tiêu của mình, vụ tới chắc chắn năng suất vườn tiêu của gia đình sẽ tăng hơn, dự kiến phải đạt trên 4 kg/trụ. Hơn nữa, lượng phân giảm rất nhiều so với thông thường, cây tiêu bây giờ thì đọt non bung mạnh và rễ tiêu thì bắn… phà phà, không còn tình trạng lá răng cưa và rụng trái non nữa".
Vườn tiêu của gia đình anh Duẩn chỉ là một trong hàng chục nhà vườn được chọn để triển khai mô hình sử dụng phân Đầu Trâu cải tiến để cứu cây hồ tiêu tại Tây Nguyên.
Nông dân Trần Thanh Hải (xã Ea kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với vườn tiêu 1hécta), cũng là nhà vườn được lựa chọn để tham gia mô hình cải tạo vườn tiêu – cho biết: "Vườn tiêu của gia đình đủ loại bệnh, chết nhanh chết chậm có, "tiêu điên" có, nấm hồng có… khi việc cải tạo vườn tiêu trở nên bế tắc thì đúng lúc chúng tôi được tiếp cận mô hình cải tạo vườn tiêu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Công ty CP Phân bón Bình Điền. Theo đó, họ hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phân bón và mình chỉ làm theo hướng dẫn. Vậy mà sau vài tháng vườn tiêu của gia đình đã hồi sinh".
"Vụ mùa này, dự kiến năng suất vườn tiêu phải đạt trên 5kg/trụ", ông Hải, dự kiến.
Là người trực tiếp tham gia, giám sát mô hình cứu cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên, TS Phạm Công Trí, nguyên trưởng bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), cho hay: "Đất vùng Tây Nguyên là đất bôxit, nếu muốn cây hồ tiêu cho năng suất cao mà không bón phân thì cây không đủ ăn, còn nếu bón lượng phân cao thì sẽ hư bộ rễ. Thời gian qua, diện tích vườn hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên bị tuyến trùng bệnh tấn công rất nhiều, nên khi trồng mới vô thì sẽ chết hoặc có lên thì cũng bị bệnh tiêu điên – nguyên nhân là do đất mất cân bằng về các chất dinh dưỡng. Để cứu cây, người nông dân đổ phân, đổ thuốc rất nhiều càng khiến đất trở nên mất cân bằng, càng khiến cây tiêu chết nhanh hơn, nông dân mất chi phí…".
"Sau thời gian nghiên cứu, WASI và Bình Điền đã triển khai chương trình 'cứu' cây hồ tiêu theo hướng cân bằng dinh dưỡng cho đất bằng phân bón Đầu Trâu cải tiến theo hương bổ sung các trung, vi lượng thông minh. Cụ thể, chúng tôi đã cho nhà vườn bón phân Đầu Trâu NPK 20-15-5, Đầu Trâu trung lượng Plus và phân Hữu cơ fertisoa. Kết quả là giải pháp này đã giúp cân bằng đất và giải phóng các dinh dưỡng mà đất đang có, cố định sắt, nhôm, và đất không bị ngộ độc. Mùa mưa đến mà cây tiêu ra đọt non như những mô hình chúng tôi đang thí điểm thì không thể chết được, chỉ cần 5% đọt non trên trụ thì cây sẽ phát triển ổn định", TS Phạm Công Trí, cho hay.
Sẽ nhân rộng mô hình
Từ mức giá 48.000 đồng/kg trong hai tháng trước, hiện giá hồ tiêu đang tăng dần lên ngưỡng 54.000 đồng/kg thời điểm cuối tháng 10 tại Tây Nguyên. Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tỉnh Gia Lai cho biết, giá hạt tiêu loại đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại thời điểm này đã chạm mốc 53.000-54.000 đồng/kg, cao nhất kể từ đầu quý III đến nay.
 
TS Phạm Công Trí (bên trái), giải thích về cách chăm sóc và hồi phục cây hồ tiêu.
TS Phạm Công Trí (bên trái), giải thích về cách chăm sóc và hồi phục cây hồ tiêu.
Không chỉ ở Tây Nguyên, tại các tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu cũng đang được thu mua với mức 53.500 đồng đến 54.500 đồng/kg.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, trong tháng 11, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Ấn Độ đang có dấu hiệu phục hồi, giá xuất khẩu có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu tốt để cho nông dân vùng Tây Nguyên chuẩn bị cho việc đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn tiêu trở lại. Bởi liên tục trong nhiều năm qua do giá tiêu xuống thấp, cây tiêu bị mất mùa, sâu bệnh chết hàng loạt.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhận định, liên tục trong nhiều năm qua do giá tiêu xuống thấp, cây tiêu bị mất mùa, sâu bệnh chết hàng loạt. Hậu quả là tại các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng nghìn hộ dân xóa bỏ vườn tiêu thay thế bằng cây trồng khác hoặc rời bỏ buôn làng đi làm ăn tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đây là một việc rất đau lòng.
"Ngay sau khi khảo sát, nhận được phản hồi tích cực từ chính nông dân trồng tiêu và đánh giá chính xác của các nhà khoa học về đất, cây trồng; chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng mô hình này. Đồng thời cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất nguồn phân bón cải tiến này để đáp ứng nhu cầu cải tạo vườn tiêu của bà con nông dân khu vực Tây Nguyên", ông Đông nói. Đồng thời, ông Đông cũng cam kết: "Giá bán phân bón cải tiến mới sẽ không biến động, chúng tôi sẽ cam kết giữ đúng giá trong suốt những niên vụ kế tiếp để giúp vùng nguyên liệu hồ tiêu lớn nhất cả nước nhanh chóng phục hồi".
Còn theo chuyên gia nông nghiệp - Th.S Phạm Anh Cường: "Để cải tạo vườn tiêu cho bà con nông dân Tây Nguyên, thời gian qua chúng tôi đã bỏ công sức đi khảo sát đinh dưỡng đất ở từng khu vực, điều tra kỹ về thói quen bón phân, sử dụng thuốc BVTV của bà con, rồi tiến hành nghiên cứu tìm công thức phân bón cân bằng nhất cho đất, giúp đất phục hồi. Sau đó là cả một quá trình đi thuyết phục bà con nông dân áp dụng mô hình, hỗ trợ phân bón cải tiến cho bà con… Đến nay, kết quả đã rất tốt, chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhân rộng được mô hình này"…
Theo Dân Việt
https://danviet.vn/lieu-minh-tim-giai-phap-cuu-cay-ho-tieu-vung-tay-nguyen-20201030153712769.htm

Có thể bạn quan tâm