Bạn đọc

"Liều thuốc cho sự sai trái"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một câu danh ngôn rằng: “Liều thuốc cho sự sai trái là quên chúng đi”. Nhưng những người trong câu chuyện sau đây không lấy lãng quên để tự chữa lành vết thương. Không quên được những ngày đen tối, nhưng điều đáng trân trọng là họ đủ can đảm, quyết tâm để thừa nhận và sửa chữa lỗi lầm, đem bài học của chính mình để thuyết phục người khác đừng đi vào con đường sai trái.

1. Vào một ngày nắng hiếm hoi của mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi đến thăm nhà ông Y Kai ở làng Mơ Nú (xã Chư Á,  TP. Pleiku). Đó là người đàn ông 54 tuổi thấp gầy, gương mặt trầm tĩnh. Ông đang cùng con gái tìm hiểu chiếc máy tính xách tay mới sắm. “Tôi mua máy tính để tiện cho việc học hành của con. Năm nay, nó học lớp 8 rồi, phải tiếp cận công nghệ thông tin không thì tụt hậu”-ông vui vẻ nói. Song nụ cười chợt tắt khi Y Kai nhớ lại những ngày đen tối khi phải làm việc cho bọn phản động FULRO.

 

Ông Y Kai (giữa) cùng lực lượng Công an đến thăm gia đình anh Thim. Ảnh: T.N

Một ngày tháng 10-1980, Y Kai (khi ấy18 tuổi) đang cùng 2 người bạn gái đến trường cấp II An Phú (nay là Trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) thì bất ngờ bị một toán FULRO phục kích tại một đoạn đường vắng, bắt cóc sang Campuchia. Chúng vừa dụ dỗ, vừa đe dọa phải theo tổ chức của chúng. Sợ hãi, Y Kai đành nuốt vào lòng nỗi nhớ nhà, nhớ quê để làm những gì chúng sai bảo. “Sau 6 tháng huấn luyện, tôi làm công tác văn thư cho FULRO. Chúng hứa sẽ cho tôi qua Mỹ nhưng sau 10 năm phục vụ chúng, lời hứa ấy ngày càng xa vời. Thay vào đó, tôi phải đọc những con số thương vong, chứng kiến rất nhiều người chết vì sốt rét, vì đói khát. Nhiều người từng bị bắt cóc như tôi không chịu nổi hoàn cảnh khắc nghiệt, bỏ trốn về nhà nhưng dọc đường nếu không bị FULRO lùng bắn thì cũng bị bọn Khmer Đỏ giết chết”-ông kể.

Năm 1991, ông được về nhà thăm mẹ thì bị chính quyền phát hiện, bắt giữ và xét xử 3 năm tù. Năm 1993, Y Kai được đặc xá, tha tù. Bà con trong làng không những không xa lánh ông mà còn giúp đỡ chén cơm, manh áo những lúc khó khăn. Công an, chính quyền cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho gia đình ông vay 2 triệu đồng (mức cao nhất lúc bấy giờ cho hộ nghèo) để đầu tư vào ruộng vườn. Ông mày mò học làm lúa từ 1 vụ sang 2 vụ/năm, nuôi bò, heo, trồng cà phê… Năm 1997, ông lấy vợ. Hiện vợ ông làm công nhân, lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Sau khi trở về làng, ông thường cùng Công an, người có uy tín trong xã đi tuyên truyền cho bà con đừng nghe theo FULRO. Với những gì đã trải qua, lời nói của ông rất thuyết phục. Năm 2002, ông Y Kai trở thành Công an viên xã Chư Á và làm việc tại Công an xã cho đến nay. Phụ cấp chẳng là bao, nhưng ông luôn nỗ lực công tác vì đây đó vẫn còn những người chưa tường tận bản chất của FULRO mà đi vào con đường sai trái, nếu từng lầm lỡ nghe theo FULRO thì cũng rất cần sự động viên để vươn lên làm lại cuộc đời. Kể về sự lôi kéo của một số đối tượng hoạt động FULRO, ông nói: “Năm 2001, có một người từng theo FULRO ở Campuchia, hiện ở huyện Đak Đoa qua nhà chơi và hỏi khéo: “Nếu FULRO tái hoạt động, chú có theo không?” Tôi kiên quyết từ chối, nói: “Vậy là đủ lắm rồi”. Người đó không nói gì thêm và ra về. Sau này tôi được biết ông này tham gia hoạt động FULRO, bị xử phạt tù và mới được tha năm 2012”.

2. Năm 2001, nghe FULRO lưu vong tuyên truyền “Tin lành Đê-ga” là “đạo riêng của người dân tộc Tây Nguyên” nên anh Thim (38 tuổi, làng Guăh, xã Chư Á) đã bỏ Tin lành miền Nam Việt Nam, nhóm họp “Tin lành Đê-ga”. Năm 2004, Thim cùng Nheo (ở làng Dò, xã Chư Á) tham gia một vụ gây rối, bị xử phạt 1 năm tù. Anh kể lại: “Trở về, thấy người ta nhà cửa khang trang, còn mình vẫn căn nhà tôn cũ kỹ, 3 đứa con nheo nhóc, tôi ân hận lắm, vì việc làm sai trái của mình mà đẩy gia đình vào cảnh khó khăn, túng thiếu”. Còn Nheo sau khi ra tù lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Nheo tham gia hoạt động nhằm phục hồi tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga” bị bắt, xử phạt 12 năm tù vào năm 2010.

Buồn chán, Thim chìm ngập trong men rượu, vợ chồng không còn thuận hòa. Nhưng dưới sự động viên thường xuyên của cán bộ an ninh và những người đã từng theo FULRO, nay đã hoàn lương như ông Y Kai, Thim như bừng tỉnh. Anh vay vốn nuôi bò cao sản, cải tạo đất ruộng để tăng năng suất. Giờ đây, anh đã mua được 2 xe máy, xe công nông, xây nhà mới khang trang, 4 đứa con được học hành. Năm 2006, anh được bà con tín nhiệm bầu vào Hội Nông dân xã, làm Tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Đình Lâm-Bí thư Đảng ủy xã Chư Á (TP. Pleiku) cho biết: “Đối với những người từng lầm lỡ nghe theo FULRO thuộc diện quản lý, chúng tôi đã phân công từng tổ đội để giúp đỡ họ, tạo điều kiện cho họ vay vốn sản xuất. Đồng thời những người đã đưa ra khỏi diện quản lý như ông Y Kai, chúng tôi tranh thủ họ trong công tác tuyên truyền. Với những gì tự mình đã trải qua, họ rất tích cực phối hợp với Công an, chính quyền, thực sự là cánh tay đắc lực giúp chúng tôi thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở cộng đồng”.

Thoại Nhân

Có thể bạn quan tâm