Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

LIME tan rã, vì đâu nhóm nhạc Việt khó bền lâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với các nhóm nhạc Hàn Quốc thì việc tồn tại gần 10 năm là điều bình thường, trong khi đó ở Việt Nam thì con số này là một điều khan hiếm.

Có nhiều lý do dẫn đến 'chết dần chết mòn' của các nhóm nhạc Việt (Ảnh: NVCC)
Có nhiều lý do dẫn đến 'chết dần chết mòn' của các nhóm nhạc Việt (Ảnh: NVCC)



Vừa qua, nhóm nhạc nữ LIME đã có dấu hiệu tan rã khi thành viên Emma Nhất Khanh đăng dòng trạng thái đầy tâm trạng trên trang cá nhân: “Hôm nay như vậy là xong. Cảm thấy buồn và có lỗi vì luôn để các cậu chờ đợi lâu, lần này thật sự làm các cậu thất vọng rồi”. Đồng thời, thành viên của LIME cũng thay đổi thông tin về người quản lý trên phần liên hệ. Vậy là sau 4 năm hoạt động, LIME đứng trước bờ vực tan rã, từ sự kiện này khiến khán giả nhìn lại quá trình phát triển của các nhóm nhạc tại thị trường Việt Nam trong khoảng 10 năm qua. Có nhiều lý do dẫn đến “chết dần chết mòn” của các nhóm nhạc Việt.

Thiếu một cú hit

Sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu đến từ Hàn Quốc đã thổi lên phong trào các nhóm nhạc thần tượng Việt Nam được thành lập một cách nhanh chóng. Trong thời gian đầu có thể kể đến V.music, 365 band, La Thăng rồi thế hệ tiếp theo như Lip B, Uni5, LIME, Zero9…

Sự ra đời nhanh chóng của các nhóm nhạc khiến nhiều khán giả hi vọng thời hoàng kim của H.A.T hay 1088 sẽ trở lại và nền âm nhạc Việt Nam sẽ có được một làn gió mới. Dễ thấy rằng các nhóm nhạc như LIME, Uni5, Monstar hay Lip B được học tập, rèn luyện theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc cũng như đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian hoạt động các nhóm nhạc hầu như không tạo được tiếng vang nào đáng kể. Lợi thế về ngoại hình cùng các MV tiền tỉ vẫn thật sự chưa đủ sức để đẩy các nhóm nhạc trở nên vụt sáng. Cũng như ca sĩ hát đơn thì các nhóm nhạc cần một bài hit thật sự để ghi dấu trong lòng khán giả. Hiện tại những ca khúc của Lip B, Uni5 hay Monstar ra mắt được một thời gian sau đó cũng chìm vào quên lãng.

Chia sẻ với báo Thanh Niên, Aiden - quản lý của nhóm nhạc Monstar đồng ý rằng tạo ra bài hit là một điều vô cùng cần thiết, anh nói: “Điều cơ bản đầu tiên là các sản phẩm của các nhóm nhạc hiện nay vẫn chưa đủ ấn tượng, những sản phẩm vẫn chưa đủ để tạo thành hit. Vốn dĩ thị trường Việt Nam đã khắt khe với nhóm nhạc rồi mà các bạn lại không có sản phẩm ấn tượng thì càng khó để nổi tiếng”. Trong suốt nhiều năm liền thì ngoại trừ 365 tạo được tiếng vang với hit Bống bống bang bang thì ca khúc của các nhóm khác chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được, không thật sự xuất sắc. Các nhóm vẫn còn đang loay hoay tìm kiếm cho mình một “cú hit” thật thụ để ghi dấu tên mình trong lòng khán giả.

Ngoài ra, việc tạo nên dấu ấn trong lòng khán giả còn nhờ vào yếu tố con người. Ngoài cần có một ca khúc ấn tượng thì trong nhóm nhạc cần có một cá nhân nổi bật trước để thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, việc này trở nên khó khăn khi hầu hết ca sĩ hát nhóm khi đã nổi tiếng sẽ có nhu cầu tách ra để solo. Giải thích cho việc này, ông bầu Aiden cho biết: “Ở Việt Nam, việc hoạt động trong một nhóm nhạc không đem lại chí lớn cho các bạn, nó chỉ có thể trở thành một bước đệm cho các ca sĩ chứ chưa phải là một cái nghề để các bạn phải khát khao phấn đấu để các thành viên đoàn kết và duy trì. Chính vì vậy nhóm nhạc Việt Nam vẫn còn yếu”.

Cần công ty quản lý đủ tầm

Để một nhóm nhạc thật sự nổi bật và sức bền thì điều kiện tiên quyết là công ty chủ quản phải thật sự có tiềm lực vững vàng về mọi mặt. Ở Hàn Quốc, các nhóm nhạc như Black Pink, Super Junior, EXO, BTS của nhà SM, YG, JYP… đều được đưa vào một môi trường khắc nghiệt để rèn luyện từ khi họ còn là những thanh thiếu niên. Và một khi đã chấp nhận trở thành ca sĩ thần tượng thì các ca sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong hợp đồng và định hướng của công ty. Những bản hợp đồng từ 5 đến 7 năm với những ràng buộc khắt khe sẽ làm cho các thành viên nghiêm túc hơn trong việc hoạt động của mình. Những ca sĩ tự ý tách nhóm như Luhan, Tao, Kris (tách ra từ EXO) hay JYJ (tách từ DBSK) sẽ phải chịu nhiều sự chỉ trích từ dư luận cũng như nhận “hình phạt” từ các ông lớn và nhà đài. Trong khi đó, các ca sĩ Việt dễ dàng hơn trong việc tách nhóm như Gil Lê tách ra khỏi X5 sau một năm hoạt động không hiệu quả hay Kelvin Khánh của La Thăng không phải chịu bất kỳ khó khăn nào khi ra hát solo.


 

 365 band là một trong những nhóm nhạc hiếm hoi sở hữu bài hit được nhiều khán giả chú ý (Ảnh: T.L)
365 band là một trong những nhóm nhạc hiếm hoi sở hữu bài hit được nhiều khán giả chú ý (Ảnh: T.L)


 Tại Việt Nam, mặc dù những ông bầu như Ông Cao Thắng, Aiden, Minh Tuấn hay Tăng Nhật Tuệ cũng có những công ty riêng chuyên đào tạo ca sĩ nhưng xét đến cùng thì họ vẫn xuất thân từ những nghệ sĩ. Họ lành nghề, có kinh nghiệm nhiều năm trong giải trí nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể nào so được với các ông lớn của xứ kim chi khi có cả một đội quân hùng mạnh trong việc luyện “gà” và định hướng phát triển chiến lược lâu dài. Đa phần các nhóm nhạc chỉ bùng lên ở thời gian đầu như Uni5, The Air hay LIME, họ được quảng bá nhiều với những lời hứa sẽ tạo ra sự bùng nổ nhưng rồi sau đó cũng chỉ hoạt động một cách cầm chừng hoặc tan rã trong dòng chảy khắt nghiệt của thị trường âm nhạc Việt Nam.

Một khía cạnh khác của vấn đề là người Việt Nam còn làm việc dựa trên tình cảm nên dễ dẫn đến việc mâu thuẫn giữa công ty quản lý và ca sĩ hoặc các thành viên trong cùng một nhóm. Việc không phân biệt rạch ròi giữa công việc và tình cảm sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển và duy trì của một nhóm nhạc tại Việt Nam. Những lùm xùm gần đây giữa ông bầu và ca sĩ đã cho thấy phần nào sự thiếu sót trong công tác quản lý cũng như định hướng truyền thông của một số công ty giải trí.


 

 Các nhóm nhạc Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng phát triển lâu dài (Ảnh: Fanpage LIME)
Các nhóm nhạc Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng phát triển lâu dài (Ảnh: Fanpage LIME)



Cát sê chưa thật sự xứng đáng

Hiện tại, mô hình nhóm nhạc tuy nhiều nhưng vẫn chưa thật sự gây ấn tượng với công chúng như các nhóm nhạc Hàn Quốc. Dấu ấn mà các nhóm để lại khá mờ nhạt, chỉ có 365 là có sức ảnh hưởng đối với công chúng khi các thành viên như Issac, Will. Jun Phạm, S.T vẫn được mọi người nhắc đến còn những nhóm như X5, Monstar, Zero9... vẫn còn xa lạ. Chính điều này làm cho sân khấu dành cho các nhóm hạn hẹp hơn, các ông bầu cũng hạn chế mời những nhóm nhạc đến hát thay vì ca sĩ. Từ đó dẫn đến các thành viên khó sống được trong môi trường showbiz vốn đã khắc nghiệt. Ca sĩ Minh Vương của nhóm M4U cũng từng tâm sự rằng nếu cứ duy trì M4U thì các thành viên không sống được cho nên buộc lòng họ phải tách ra để hoạt động riêng lẻ.

Từ vấn đề thị trường dẫn đến việc cát sê cho các nhóm trở nên eo hẹp hơn. Giá cát sê thấp khiến cho các nhóm nhạc không thể tồn tại lâu dài. Một nhóm nhạc lên trình diễn chỉ nhận được cát sê bằng hoặc thấp hơn so với một ca sĩ hạng A. Con số 50 triệu đồng cho một bài hát có thể là cao với một ca sĩ nhưng với một nhóm ba đến năm người thì nó chẳng thấm vào đâu so với những gì họ bỏ ra. Chính vì sự bất hợp lý này mà một số công ty khó khăn trong việc giữ chân các thành viên ở lại.



 

Cát sê thấp khiến các ông bầu đau đầu trong việc duy trì nhóm nhạc (Ảnh: Fanpage Monstar)
Cát sê thấp khiến các ông bầu đau đầu trong việc duy trì nhóm nhạc (Ảnh: Fanpage Monstar)



Ông bầu Tăng Nhật Tuệ cho biết: “Thật sự giá cát sê chưa xứng đáng với những gì các bạn đó bỏ ra nên khó khăn là điều hiển nhiên. Nên trong quá trình làm việc sẽ có nhiều bạn muốn tách ra để có kinh tế ổn định hơn cũng như có danh tiếng hơn”. Với kinh nghiệm trong việc làm nhóm nhạc, Tăng Nhật Tuệ cũng cho biết chi phí đầu tư cho nhóm nhạc lớn hơn so với lợi nhuận thu về nên tài chính lúc nào cũng là vấn đề nan giải. Chính vì thế, cát sê thấp cộng hưởng với chi phí cho các khoản khác như đi lại, ăn ở, trang phục, make-up, dạy vũ đạo... thì tiền mà mỗi thành viên nhận lại không bao nhiêu. Trong showbiz cũng đã có nhiều trường hợp ca sĩ tách nhóm để hoạt động độc lập do thu nhập trong nhóm không đủ trang trải cuộc sống. Điển hình, Tronnie - cựu thành viên của 365 đã buộc phải rời khỏi công ty tách ra hoạt động solo vì tiền cát sê ít ỏi không thể nuôi sống bản thân và gia đình.

Hiện tại, thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn còn ít sân chơi cho các nhóm nhạc Việt. Chính vì vậy, các nhóm nhạc Việt cần phải nỗ lực hơn nữa để tạo cho mình một vị trí nhất định trong lòng khán giả. Những năm gần đây, có vài nhóm nhạc như Cá hồi hoang, Ngọt, DaLAB đã tạo ra một vài điểm sáng le lói, nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. Mọi thứ cần phải có sự đầu tư chắc chắn và dài hơi để mô hình nhóm nhạc phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Minh Hy (C.A.M/thanhnien)

Có thể bạn quan tâm