Truy vết dòng tiền, hàng hóa
Hoạt động TMĐT đang nở rộ tại Việt Nam với nhiều phiên bán hàng của cá nhân, tổ chức doanh thu đạt cả trăm tỷ đồng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam cho biết, cá nhân bán hàng livestreams trên Tiktok được quản lý theo hoạt động TMĐT. Tất cả giao dịch mua bán hàng hóa qua nền tảng của Tiktok được lưu trữ thông tin và giữa các bên tham gia hoạt động bán hàng (người bán- đơn vị vận chuyển - giao hàng - quảng cáo) đều phải có hợp đồng để phục vụ kê khai thuế, truy vết dòng tiền, hàng hóa.
Một nhóm cá nhân livestream với doanh thu hàng chục tỷ đồng. |
Ông Thanh dẫn ví dụ, cá nhân livestreams chốt đơn hàng, đơn vị vận chuyển lấy hàng từ người bán, giao tới người mua. Sau khi đơn hàng giao thành công, các đơn vị sẽ xuất hóa đơn. Cá nhân mở tài khoản trên Tiktok chủ động kê khai loại hình pháp nhân (cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp). Các đơn vị này sẽ nộp thuế theo loại hình kinh doanh đã chọn.
Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế hơn 4.039 tỷ đồng. Đối với hoạt động TMĐT trong nước, tổng doanh thu cơ quan thuế quản lý 1,8 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế. Hiện tại, người livestream nộp thuế theo các hình thức khác nhau. Hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% VAT, 2% thuế thu nhập cá nhân). Cá nhân không đăng kí kinh doanh, làm thuê cho nhãn hàng, nộp thuế thu nhập cá nhân, nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả.
Cần áp dụng công nghệ hỗ trợ người nộp thuế
Tại tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử” ngày 2/8, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho rằng, hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, ngoài bán hàng còn nhiều lĩnh vực khác như nội dung số, truyền hình. Tuy nhiên, thời gian qua, việc nộp thuế cho hoạt động TMĐT phát sinh vướng mắc cho người tham gia TMĐT.
“Người kinh doanh TMĐT không phải trốn thuế mà nhiều khi không biết phải đóng thuế như thế nào. Vì vậy, cơ quan chức năng cần hướng dẫn để người kinh doanh TMĐT dễ kê khai, dễ đóng thuế, tránh trường hợp không biết kê khai dẫn đến bị truy thu, xử phạt”, ông Dũng kiến nghị.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng, con số nộp thuế sàn TMĐT kê khai vẫn hạn chế so với doanh thu thực tế. Việc quản lý thu thuế với sàn TMĐT phải làm sao đảm bảo thu đúng, thu đủ và dựa vào doanh thu thực tế. Hoạt động livestream bán hàng thời gian qua nở rộ, tuy nhiên, không thể dựa trên con số công bố này để tính thuế. Hiện nay, có tình trạng chốt đơn trong livestreams nhưng hàng chưa đến tay người mua, chưa trả tiền.
“Với công nghệ thông tin hiện nay, người bán hàng không thể bán 10 sản phẩm chỉ khai 5 sản phẩm, bởi trước sau cơ quan thuế cũng tìm ra số liệu đầy đủ. Cơ quan thuế cần “chung tay” với các đơn vị làm tốt để tránh việc truy thu sau này”, ông Phụng cho biết.
Ông Lê Hùng Quang, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Misa cho rằng, thời gian qua, cơ quan thuế tăng cường biện pháp quản lý thuế với TMĐT khiến người kinh doanh gặp khó khăn. Nhiều người kinh doanh không biết kê khai, nộp như thế nào để hợp lý. Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh gặp “nỗi đau” khi vừa kê khai trên sàn TMĐT, các phần mềm khác nhập số liệu thủ công. Việc này dẫn đến tiềm ẩn sai sót, nguy cơ bị truy thu.