Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cho biết, trong những ngày qua, xuất hiện trở lại tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Các đối tượng giả mạo tin nhắn với nội dung thông báo về việc kích hoạt ứng dụng Mobile App trên trên một thiết bị khác và yêu cầu khách hàng bấm vào đường link giả mạo đính kèm. Đường link này dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập và mật khẩu cùng mã OTP. Nếu thực hiện theo, kẻ gian sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.
Ngân hàng cảnh báo về chiêu lừa tin nhắn mạo danh hoành hành trở lại. Ảnh: MSB. |
Ngân hàng này cũng đưa ra một loạt đường link giả mạo mà các đối tượng thường sử dụng với các đuôi như .top; .xyz,...
"Quý khách tuyệt đối không nhấp vào những đường link như vậy. Đây là thủ đoạn không mới, đã được ngân hàng và các cơ quan báo chí liên tục cảnh báo trong thời gian qua. Tuy nhiên, các đối tượng thường xuyên thay đổi nội dung tin nhắn giả mạo để tiếp cận khách hàng thực hiện hành vi lừa đảo. MSB vẫn đang tích cực phối hợp với các Cơ quan chức năng để ngăn chặn các đường link giả mạo, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại về tài chính cho khách hàng" - phía Ngân hàng Hàng Hải cảnh báo.
Phía ngân hàng cũng lưu ý người dân nên sử dụng giao dịch các nền tảng, ứng dụng chính thức được cung cấp bởi ngân hàng; không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai (kể cả ngân hàng) gồm: mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt và các thông tin bảo mật khác; thông báo ngay cho ngân hàng nếu nghi ngờ bị mất thông tin tài khoản hoặc phát sinh giao dịch gian lận.
Trước đó, ngày 30.4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải và một ngân hàng cũng đưa ra cảnh báo về một thủ đoạn mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại (Esim/Cướp sim). Trường hợp này, đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công ty viễn thông, liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn và đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí.
Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng nhắn tin theo cú pháp để chuyển đổi. Khách hàng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.
Sau khi chiếm được SIM điện thoại, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập và sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử có liên kết với tài khoản/thẻ ngân hàng của khách hàng để chiếm đoạt tiền...
Đầu tháng 4 vừa qua, KienlongBank cũng cảnh báo về các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng như: giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng; lừa đảo mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc chuyển đổi giao dịch trả góp; lừa đảo hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm;...