(GLO)- Những năm qua, xã Lơ Ku (huyện Kbang) đã nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, diện mạo nông thôn đã có những đổi thay tích cực, đời sống người dân từng bước cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020, Đảng bộ và nhân dân trong xã cần nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.
Xã Lơ Ku hiện đạt 13/19 tiêu chí NTM, chủ yếu là các tiêu chí được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí như: điện, giao thông, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, quy hoạch, quốc phòng và an ninh... Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, xã đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nan giải nhất là các tiêu chí: nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: “Lơ Ku là xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới tính đến cuối năm 2019 còn 12,78%. Để hoàn thành tiêu chí hộ nghèo vào cuối năm 2020, xã phải phấn đấu giảm gần 7% số hộ nghèo. Đây là thách thức lớn bởi xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 80%. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Đường vào xã Lơ Ku. Ảnh: K.N.B |
Bên cạnh thách thức trong công tác giảm nghèo, Lơ Ku cũng gặp khó trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 26 triệu đồng/năm, trong khi đó mục tiêu phấn đấu là 34 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã lý giải: Kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như mía, mì, bắp và hoa màu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, cây trồng liên tục mất mùa, mất giá. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc kéo giãn lao động ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Hơn nữa, một bộ phận người dân, nhất là người dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, toàn xã còn 126 nhà ở dột nát, tạm bợ. Còn về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng đang là vấn đề khó, đòi hỏi thêm thời gian.
Để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Lơ Ku đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế mới như: trồng cây ăn quả, keo lai trên đất dốc đồi núi, bạc màu, nuôi tằm; mở rộng quy mô chăn nuôi bò, heo, dê, trùn quế... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp này chỉ dừng lại ở việc giúp một bộ phận người dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn chứ chưa thực sự nâng mức thu nhập lên theo đúng chuẩn. Vì thế, sự quan tâm của cộng đồng, doanh nghiệp, Nhà nước... để giúp người dân xóa nhà dột nát, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tạo việc làm cho người dân là rất cần thiết. Ông Dương cho biết thêm: “Vừa qua, các doanh nghiệp đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng giúp người nghèo làm mới và sửa chữa 42 nhà tạm, dột nát. Đây là kết quả đáng mừng để những hộ khó khăn về nhà ở có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.
Cây mía ở Lơ Ku mang lại giá trị cao cho người dân nhiều năm mất mùa mất giá. Ảnh. H.T |
Những năm qua, xã Lơ Ku được Nhà nước hỗ trợ trung bình khoảng 2 tỷ đồng/năm từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM và Chương trình 135. Sự quan tâm này rất đáng quý nhưng với xã nghèo như Lơ Ku thì yêu cầu còn nhiều hơn. Nguồn vốn trên được thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn tập trung xây dựng đường giao thông, trường học... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, đi lại, nâng cao trình độ cho con em trên địa bàn. Ông Đinh Bới-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đak Kjông-cho hay: “Cuộc sống của bà con trong làng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, nông sản mất mùa, mất giá, thời tiết biến đổi ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, thay đổi nhận thức, phát huy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân không phải là chuyện một sớm một chiều”.
“Trong thời gian tới, xã sẽ tích cực triển khai thực hiện những tiêu chí chưa đạt với quyết tâm cao nhất”-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku khẳng định.
HÀ TÂY