(GLO)- Thông tin bỏ áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là những người đang có con nhỏ. Nhiều người lo ngại giá sữa sẽ tăng làm “loạn” thị trường như từng xảy ra trước đây.
Mua luôn một lúc gần 2 triệu đồng tiền sữa tại tiệm tạp hóa Thùy Dung (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku), chị Nguyễn Thị Thường (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nghe nói sắp tới sẽ bỏ áp trần giá sữa, sợ giá sữa sẽ tăng nên mình mua sẵn luôn, tiết kiệm được chút nào hay chút đó”. Trong khi đó, chị Phan Ngọc Nhi (42 Nguyễn Lương Bằng, TP. Pleiku) thì lo lắng: “Vợ chồng mình có 3 bé, chúng đều dưới 6 tuổi, bình quân mỗi tháng gia đình chi trên 3 triệu đồng tiền sữa bột”. Còn chị Lê Thị Chi (tổ 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) mong muốn: “Nhà mình không chỉ bé nhỏ uống sữa mà bé lớn vẫn còn dùng sữa bột, trong khi thu nhập của mình thì thấp. Nếu sữa tăng giá, chắc chắn mình buộc phải cắt bớt khẩu phần sữa của bé lớn. Mình rất mong Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá sữa”.
Việc bỏ trần giá sữa khiến nhiều người lo lắng. Ảnh: D.Q |
Điều lo lắng của các phụ huynh có con nhỏ dưới 6 tuổi là có cơ sở. Bởi lẽ, theo chị Bích Hương-chủ cửa hàng sữa Bích Hương (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) thì một số hãng sữa đã rục rịch tăng giá. Trong đó, sản phẩm sữa của hãng Abbott tăng lên trên 12% bằng cách thay đổi mẫu mã (từ 687.000 đồng lên 772.000 đồng/lon, đắt hơn 85.000 đồng/lon). Tuy nhiên, hiện tại, cửa hàng vẫn bán theo giá cũ nhờ việc chia lại các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Còn theo tiết lộ của một nhà phân phối sữa khác, khả năng sữa bột sẽ tăng giá vào tháng 4, mức tăng 5-10%, riêng mặt hàng sữa nước ít dao động hơn. Điều đáng lo là giá sữa bột tăng sẽ kéo theo một số sản phẩm khác sản xuất từ sữa bột cũng sẽ tăng theo. Hiện một số sản phẩm sữa đã tăng giá, như sữa chua Vinamilk tăng 1.500-2.000 đồng/lốc 4 hũ, sữa chua Su Su tăng 24.000 đồng/lốc 4 hũ, sữa chua lên men tự nhiên tăng lên 21.000 đồng/lốc 4 hũ; sữa chua Proby tăng lên 24.000 đồng/lốc 4 hũ…
Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào liên quan đến vấn đề bỏ áp trần giá sữa. Tuy nhiên, Sở sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường tăng cường hơn nữa việc kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn. Tập trung kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá sữa hoặc những vấn đề liên quan chất lượng sữa trên thị trường. |
Việc không còn áp trần giá sữa khiến các chủ đại lý, cửa hàng sữa trên địa bàn lo lắng không kém. “2 năm vừa rồi, giá sữa ổn định nên việc kinh doanh rất tốt, khách hàng cũng ít ý kiến hay so sánh. Nhiều mặt hàng có giá hợp lý nên họ mua số lượng lớn. Đặc biệt, nhờ chương trình bình ổn giá sữa của Nhà nước mà nhiều mặt hàng sữa giảm giá đáng kể, nhất là các hãng sữa sản xuất trong nước như giá sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi của hãng Vinamilk chỉ còn 190.000 đồng/lon 900 gram hoặc của hãng Nutifood là 298.000 đồng/lon 900 gram. Điều này hỗ trợ rất lớn cho các bé sơ sinh. Dù tâm lý bán hàng ai cũng thích bán được nhiều, nhưng thấy nhiều mẹ phải chi nhiều tiền để mua sữa cho con, mình cũng xót lắm. Bởi thế, nếu giá sữa tăng hay thường xuyên dao động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của cửa hàng cũng như tâm lý mua sắm của khách. Đôi khi, giá sữa lên xuống quá nhanh cũng khiến khách hàng mất niềm tin”-chị Bích Hương cho biết thêm.
Theo một số chuyên gia, việc bỏ áp trần giá sữa sẽ giúp thị trường sữa có sự cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp tự kê khai, đăng ký giá rồi thông báo tới hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước… Song, thực tế nhiều người lo ngại: Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý tốt hoặc không chặt chẽ thì việc giá sữa tăng “loạn” như từng xảy ra trước đây là điều khó tránh khỏi.
Dã Quỳ