Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Lo ngại làn sóng bạo lực và khả năng gia nhập NATO của Thụy Điển thêm xa vời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan, UAE, Iran, Kuwait, Morocco… đã lần lượt lên tiếng hành vi đốt Kinh Koran, cuốn sách thánh của người Hồi giáo, tại Thụy Điển.

Người đàn ông đốt Kinh Koran bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm ngày 28/ 6. Ảnh: Reuters

Nguồn cơn bắt đầu vào hôm 28/6 tại Stockholm (Thụy Điển), một người được xác định là Salwan Momika, gốc Iraq, đã đốt cuốn Kinh Koran trước Nhà thờ Hồi giáo Stockholm trong sự bảo vệ của cảnh sát.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Momika đã ném cuốn Kinh xuống đất trước cửa Nhà thờ ở quảng trường Medbargareplatsen. Người này giẫm lên cuốn sách kinh và thốt ra những lời lẽ xúc phạm đạo Hồi trước khi châm lửa đốt, bất chấp phản ứng của những người xung quanh.

Động thái đốt kinh Koran vào ngày đầu tiên của Lễ Eid al-Adha - một lễ hội lớn của người Hồi giáo, đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của các nước có đông dân số theo tôn giáo này.

Trong khi đó, ngày 29/6, hãng thông tấn quốc gia Morocco (MNA) đưa tin Rabat đã triệu hồi Đại sứ về nước trong khoảng thời gian không xác định. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Morocco đã triệu Đại biện lâm thời Thụy Điển tại Rabat tới để “cương quyết lên án vụ việc và coi đó là hành vi không thể chấp nhận được”.

Bộ Ngoại giao Iraq và Pakistan chỉ trích Stockholm vì đã cho phép hành động này. Đáng chú ý, ngày 29/6, hàng chục người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Moqtada Sadr đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad trong 15 phút. Sau đó, khi lực lượng an ninh được triển khai, những người này mới rời đi trong hòa bình.

Nhiều quốc gia Hồi giáo Trung Đông chỉ trích gay gắt diễn biến mới tại Thụy Điển. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã kịch liệt lên án vụ việc. Bộ Ngoại giao Kuwait ngày 30/6 thông báo đã triệu Đại sứ Thụy Điển để phản đối. Jordan cũng triệu Đại sứ Thụy Điển tại Amman để phản đối, cho rằng đốt Kinh Koran là hành vi nguy hiểm, “kích động bạo lực và phân biệt chủng tộc”.

Iran lên án hành động đốt Kinh Koran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani gọi hành động này là “khiêu khích, thiếu cân nhắc và không thể chấp nhận được” và chính phủ, người dân Iran không dung thứ cho hành động xúc phạm như vậy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nói thêm Chính phủ Thụy Điển phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm và giải trình về vấn đề này.

Viết trên Twitter ngay sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh: “Tôi lên án các hành động hèn hạ ở Thụy Điển, chống lại cuốn sách thánh của chúng tôi, Kinh Koran, vào ngày đầu tiên của Lễ Eid al-Adha. Việc cho phép hành động chống Hồi giáo này dưới cái cớ tự do ngôn luận là không thể chấp nhận được”. Theo ông, làm ngơ trước hành động này có thể coi là đồng lõa với tội ác.

Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary là những nước phản đối kịch liệt hoặc trì hoãn việc Stockholm và Phần Lan gia nhập NATO. Với việc để xảy ra hành động khiêu khích đốt kinh Koran, nhiều nước cho rằng sự bất bình của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Stockholm có thể lên đỉnh điểm.

Hành động đốt kinh Koran không chỉ gây lo ngại vì làn sóng người Hồi giáo trả thù, mà chính người Thụy Điển cũng dấy lên sự bất an. Nhiều người Thụy Điển không chỉ biểu tình phản đối hành động đốt kinh của người Hồi giáo mà còn vì không đồng tình với việc nước này muốn gia nhập NATO.

Có thể bạn quan tâm