Chênh lệch giá vàng mua vào và bán ra bị kéo giãn lên tới 1,6 triệu đồng khiến người mua vàng lỗ ngay khi vừa bước chân ra khỏi cửa hàng. Giá vàng biến động mạnh đã khiến nhiều người hoang mang không biết có nên xuống tiền trong ngày Vía Thần tài hay không.
Sát ngày Vía Thần tài, giá vàng trong nước biến động ngày càng lớn. Cụ thể, giá vàng SJC hôm nay tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra so với phiên hôm qua. Giá vàng SJC hiện niêm yết ở mức 61,75 - 62,60 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 61,10 - 62,70 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 - 300.000 đồng/lượng lần lượt ở cả 2 chiều so với 9.2. Chênh lệch chiều mua vào - bán ra ở ngưỡng rất cao 1,60 triệu đồng.
Điều này có nghĩa, nếu mua vàng ở DOJI trong hôm nay, ngay khi bước chân ra khỏi cửa hàng, nếu muốn bán ngay thì mỗi lượng vàng đã "bốc hơi" đến 1,60 triệu đồng.
Giảm tiêu cực nhất là vàng Maritime Bank khi mất 500.000 - 400.000 đồng/lượng lần lượt ở 2 chiều mua vào - bán ra so với phiên hôm qua, xuống còn 61,00 - 62,40 triệu đồng/lượng.
Diễn biến của giá vàng SJC trong 30 ngày qua. Ảnh chụp màn hình |
Theo các chuyên gia, thông thường trước ngày Thần tài, người dân có xu hướng mua vàng cầu may mắn cho cả năm. Nhưng do các năm trước, giá thường bị đẩy lên cao rồi sụt giảm mạnh ngay sau đó nên năm nay mới có hiện tượng ngược. Nhiều người đã chọn thời điểm này để bán vàng ra kiếm lời.
Chênh lệch mua - bán vàng an toàn nên ở ngưỡng dưới 300.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, chuyên gia khuyên người mua chỉ nên mua số lượng ít để lấy may chứ chưa nên gom nhiều nhằm mục đích đầu tư hay tích trữ.
Giá vàng thế giới vút cao lên mức 1.834,70 USD/ounce. Ảnh: Kitco |
Trên thị trường thế giới, giá vàng đã chứng kiến đà tăng ấn tượng kể từ 31.1. Riêng trong 7 phiên giao dịch qua, kim loại quý đã tăng 1,43% giá trị do chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt và lợi tức kho bạc Hoa Kỳ tăng.
Fed đã giảm thu mua tài sản từ 120 tỉ USD hàng tháng và dự kiến sẽ hoàn tất quá trình "taper" vào giữa tháng 3, đồng thời tiết lộ về kế hoạch giảm số dư tài sản của mình. Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista, tài sản tồn đọng trên bảng cân đối của Fed là 8,87 nghìn tỉ USD.
Theo công cụ FedWatch của CME, 100% chắc chắn rằng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp FOMC vào tháng 3. Khả năng Fed sẽ quyết liệt hơn và thông báo tăng lãi suất 0,5% hiện ở mức 28,8%, với xác suất tăng lãi suất 0,25% là 71,2%.
Hành động tăng lãi suất là một xu thế toàn cầu không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Các ngân hàng trung ương đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ và thu hẹp bảng cân đối tài sản của họ.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng xấp xỉ 4 điểm cơ bản, nâng lợi suất lên 1,95%. Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt trên 1,96%, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 11.2019. Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm tăng gần 3 điểm cơ bản, nâng lợi suất lên 2,239%.
Trong bối cảnh lợi suất kho bạc tăng và sự chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào tháng 3, vàng đã liên tục khởi sắc kể từ đầu tháng 2.
Trong lịch sử, việc Fed siết chặt chính sách tiền tệ và lợi suất kho bạc Hoa Kỳ tăng sẽ tạo ra áp lực bán vàng. Tuy nhiên, mức lạm phát hiện tại đang giúp kim loại quý củng cố sức mạnh.
Theo giới chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang đang đứng trước áp lực phải cân bằng giữa các biện pháp để giảm áp lực lạm phát và không gây ra sự suy giảm kinh tế lớn.
Ngoài ra, kim loại quý tiếp tục tăng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang. Vàng lấp lánh nhờ đồng USD khá yếu và bất ổn căng thẳng tại Ukraine.
Nhận định về tiềm năng trong năm 2022, Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho rằng vai trò phòng ngừa rủi ro của vàng sẽ là yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư trong năm nay.
Theo ĐỨC MẠNH (LĐO)