Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Loại bỏ hiện tượng tiêu cực ra khỏi đời sống báo chí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn nhà báo Phạm Quốc Toàn-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, về kết quả thực hiện 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, cũng như giải pháp để thúc đẩy báo chí địa phương hội nhập, phát triển cùng báo chí cả nước.

- Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông có nhận xét gì về việc thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong thời gian qua?

Nhà báo Phạm Quốc Toàn: Từ lâu, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo rất được các nước trên thế giới quan tâm. Báo chí cách mạng nước ta rất đề cao đạo đức nghề nghiệp. Xuất phát từ quan điểm đó, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VIII đã thông qua 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Quy định nhấn mạnh đến một số vấn đề có tính chất quan trọng như: nhà báo phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật; giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác...

 

Nhà báo Phạm Quốc Toàn:
Nhà báo Phạm Quốc Toàn

Trước đó 5 năm, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã đề ra một số quy ước về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Tuy nhiên ở phạm vi của một quy ước thì không có tính ràng buộc. Khác với quy ước, quy định có tính ràng buộc nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ nào đó. Thực ra, những vấn đề nêu trong quy định lần này đã được luật hóa trong Luật Báo chí. Nếu vi phạm những quy định này cũng có nghĩa là vi phạm Luật Báo chí.

Nhìn chung hầu hết nhà báo của chúng ta đều thực hiện nghiêm những quy định về đạo đức nghề nghiệp. Trước hết, các nhà báo đều trung thành với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Bên cạnh đó, báo chí đã phản ánh đúng hiện thực khách quan. Báo chí đã góp phần làm lành mạnh hóa xã hội, tham gia xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, đội ngũ những người làm báo có quan hệ xã hội lành mạnh, không vướng vào các hiện tượng tiêu cực.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Trung thực, khách quan là đặc điểm cơ bản của báo chí. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng làm được như vậy. Biểu hiện cụ thể là: lấy tin vội vã, lấy tin không thẩm định, lấy tin một chiều, thậm chí có một số người làm báo kiểu “xa lông” lấy tin trên mạng, xào xáo lại thông tin của đồng nghiệp. Cá biệt có nhà báo còn dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi. Một số tờ báo khai thác thông tin một cách trần trụi về vấn đề phụ nữ, vấn đề phòng the, xâm phạm đời tư của người khác... Trong quan hệ với đồng nghiệp thì cũng có một số biểu hiện thiếu lành mạnh.

Tôi xin nhấn mạnh là có hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chỉ ở một số ít nhà báo. Đa số các nhà báo chúng ta vẫn thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp. Nhờ đó, báo chí chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Báo chí đã góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nhiều nhà báo không quản hiểm nguy đã dấn thân vào các sự kiện nóng bỏng của đất nước như sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Nhiều nhà báo lăn lộn ở vùng sâu vùng xa, tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện nhằm giúp đỡ đồng bào nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam là kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có chế tài thật cụ thể để xử lý, chủ yếu là xử lý sau khi đã có kết luận của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Để hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tôi đề nghị các cấp Hội cần chủ động đấu tranh để kịp thời loại bỏ những biểu hiện tiêu cực ra khỏi đời sống báo chí.

- Hiện nay, các cơ quan báo chí ở địa phương gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục phát triển và hội nhập cùng với báo chí cả nước, báo chí địa phương cần làm gì, thưa ông?

Nhà báo Phạm Quốc Toàn: Hiện nay, báo chí địa phương hoạt động trong điều kiện thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Về thuận lợi, báo chí được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; địa bàn tác nghiệp gần dân, gần với cơ sở. Đặc biệt, đối với những cơ quan báo chí chưa tự chủ về tài chính thì nhận được sự hỗ trợ của địa phương. Tuy nhiên, báo chí địa phương cũng gặp không ít hạn chế, khó khăn, thách thức. Biểu hiện cụ thể là: thiếu tính sinh động, hấp dẫn, nhanh nhạy, do đó chưa thu hút được đông đảo bạn đọc. Hiện nay, nhiều tờ báo đã có sự cải tiến nhưng cách tổ chức tin bài nhìn chung còn rập khuôn, xơ cứng. Nhiều tờ báo thiếu tính chiến đấu. Tất nhiên hạn chế này không hoàn toàn thuộc về anh em làm báo mà còn tùy thuộc vào sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Một trong những hạn chế nữa đó là trình độ của anh em báo chí địa phương chưa đồng đều, kỹ năng tác nghiệp còn hạn chế.

Theo tôi, muốn phát triển xứng tầm thì báo chí địa phương thông tin phải hấp dẫn, thông tin nhiều chiều, thông tin những vấn đề được dư luận quan tâm. Thứ hai là phải tăng cường tính chiến đấu, phản ánh sự việc một cách trung thực, chứng cứ phải rõ ràng thuyết phục, chuyển tải kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những khúc mắc trong cuộc sống với tinh thần xây dựng. Làm thế nào để báo chí địa phương trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Thứ ba là phải đầu tư kinh phí mua sắm trang-thiết bị phục vụ làm báo, quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên...

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến các đồng nghiệp và quý độc giả của Báo Gia Lai.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Duy Danh (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm