Chính trị

Tin tức

Lời Bác mãi khắc trong tim (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946 và qua 10 năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai học tập thư Bác (2006-2016), tỉnh Gia Lai đã có nhiều gương điển hình trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở, thôn làng.

Bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy
Bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy

Ông Hmrik, năm nay gần 70 tuổi, là già làng kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận làng Brel (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bộc bạch: “Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về đại đoàn kết trong thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam tại Pleiku năm 1946. Biết ơn Đảng và Bác Hồ, bản thân tôi phải có trách nhiệm cùng chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con dân làng phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước của người Tây Nguyên, giúp nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc”.

Với suy nghĩ ấy, những năm qua ông Hmrik đã tích cực cùng cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Vận động nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, yên tâm lao động sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không trốn ra rừng… Trong các buổi phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các làng trọng điểm như làng Brel, làng Sơr, làng Phung 1..., ông đã chỉ cho dân làng hiểu rõ âm mưu và bản chất thâm độc của kẻ thù là muốn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, ông còn động viên và chia sẻ những khó khăn về kinh tế, đời sống với những người lầm lỡ. Qua đó, làm công tác giáo dục đối tượng tại cộng đồng, tuyên truyền, vận động nhân dân các làng gần gũi, giúp đỡ tạo mọi điều kiện để họ sửa chữa sai lầm và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, ông đã vận dụng hương ước của làng và pháp luật để giải thích, vận động và hòa giải thành công các vụ việc như tranh chấp đất đai, các mâu thuẫn nội bộ gia đình nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn…

 

Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N
Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N

Tại xã Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang), chị Thẩm Thị Phóng-dân tộc Tày-cũng là một cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích. Chị nhớ lại: “Trước đây, cuộc sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn lạc hậu, tập quán canh tác vẫn mang tính tự cấp, tự túc…”. Để gia đình mình và bà con thoát được cái đói, cái nghèo, được ấm no... chị đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của nhiều người, mạnh dạn đi đầu từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, thực hiện định canh-định cư, tận dụng điều kiện về đất đai, nguồn nước sẵn có để chuyển diện tích đất lúa từ 1 vụ sang 2 vụ. Đồng thời, gia đình chị còn cải tạo vườn tạp và chuyển đất rẫy sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị đã có hơn 2 sào lúa nước 2 vụ và 1,7 ha cà phê kinh doanh, cùng diện tích vườn cây ăn trái và các loại rau, đậu… Gia đình chị còn duy trì chăn nuôi đàn trâu từ 15 đến 20 con, đàn heo thịt xuất chuồng mỗi năm từ 40 đến 50 con, cùng đàn gia cầm hơn 100 con... Hàng năm, sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình chị đạt từ 150 đến 200 triệu đồng.
 

Hôm nay (17-6), tại TP. Pleiku, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập thư Bác Hồ trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2006-2016). Hội nghị tập trung ôn lại nội dung, ý nghĩa thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku năm 1946 và tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, đánh giá kết quả việc học tập thư Bác Hồ được phát động từ năm 2006 đến nay; đề ra những giải pháp tăng cường đoàn kết các dân tộc theo tinh thần và tư tưởng đại đoàn kết của Bác trong thời gian tới. Hội nghị cũng biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tại địa phương.

Không chỉ sản xuất giỏi, nhiều năm qua, chị Thẩm Thị Phóng còn được tín nhiệm bầu làm cán bộ phụ nữ thôn và tham gia nhiều công việc khác tại thôn. Chị đã tích cực tuyên truyền vận động chị em phụ nữ thực hiện các chương trình hoạt động do cấp trên triển khai, trong đó có cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”… Chị cùng các đoàn thể quan tâm giúp đỡ những hộ gia đình trong thôn còn khó khăn bằng nhiều hình thức như hỗ trợ cây giống, con giống, vốn đầu tư sản xuất... Cùng với đó, chị còn chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, kinh nghiệm chi tiêu trong sinh hoạt gia đình, giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo…
 

Trao thư và ảnh Bác Hồ cho hộ gia đình vùng DTTS Ông Hmrik được Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku khen thưởng về học tập và làm theo tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh (6563). -Bà Thẩm Thị Phóng (1897). -Ông Nay Yak (6582).
Trao thư và ảnh Bác Hồ cho hộ gia đình vùng DTTS. Ảnh: T.N

Một cá nhân uy tín tiêu biểu trong đồng bào Jrai ở khu vực Đông Nam tỉnh là ông Nay Yak (người dân tộc Jrai ở buôn A Ma Nhơn, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện). Là một  trí thức của chế độ cũ, sau khi tỉnh nhà giải phóng, được cách mạng giáo dục và giác ngộ, hiểu được chính sách khoan hồng của cách mạng, nên ông quyết tâm ở lại cùng bà con dân làng xây dựng quê hương… Gần 40 năm qua, ông đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư, xây dựng cuộc sống mới. Ông tâm sự: “Bà con đã tin tưởng thì mình  không thể phụ lòng, mình phải đem hết khả năng và tinh thần để giúp dân làng”.

Ông đã vận động bà con không đốt phá rừng làm nương rẫy, định canh định cư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ diện đói nghèo nay đã cải thiện cuộc sống và vươn lên. Bên cạnh đó, ông đã hướng dẫn bà con biết ăn ở vệ sinh và khi ngủ có chăn màn, lúc ốm đau phải chữa trị theo hướng dẫn của y bác sĩ, từ bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống và lúc ma chay, cưới xin, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chết không chôn chung. Ông còn tuyên truyền để bà con trong buôn tích cực tham gia làm đường bê tông, con cháu đến tuổi phải đến trường, chống bỏ học. Trong buôn có nhiều cháu đã học xong đại học đang công tác tại nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh. Bộ mặt đời sống người dân buôn A Ma Nhơn ngày càng đi lên, nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thanh Nhật

--------------
(*) Tên một bài hát của Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan.

Có thể bạn quan tâm