Nỗi nhớ rừng đã “trêu tức” tôi trong một ngày trở lại cùng bao lời chân thật tự trái tim. Bất giác, tôi thấy lòng mình xôn xao đến lạ, tưởng như có thể bỏ qua hết thảy những bộn bề cuộc sống, chỉ còn lại tôi với rừng, với cỏ cây, muông thú.
Trong chiều lặng gió, tôi ngồi thật lâu dưới một tàng cây, để nghe gió núi xào xạc, để nghe ríu rít tiếng chim. Rồi lại thấy, xa kia là mấy dải nắng nghiêng ươm vàng, xa nữa là cây cối thanh lành, dịu mát. Tôi gọi đó là bóng cây rừng hạnh phúc như tựa đề một bộ phim đã được chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Với nhiều người, tìm về với rừng là để lắng nghe những lời chân thật. Ảnh: Minh tiến |
Thế nên, khi quyết định chạy xe máy lên thăm các anh trực ở trạm quản lý bảo vệ rừng nằm ngay trong rừng Kon Von II (huyện Kbang), tôi bật tai phone nghe nhạc để lấy tinh thần, xốc lại ý chí. Giọng ca của Đen Vâu ngân lên ám ảnh trong MV “Nhạc của rừng”.
Lúc biết ý định của tôi, các anh ở trạm kiểm lâm khuyên rằng hãy đợi ngày nắng ráo. Bởi bây giờ đang mưa, đường trơn trượt và cũng bởi đây là trạm xa xôi, heo hút nhất và khó khăn nhất. Mùa này, nếu vẫn đến với rừng thì phải đi sớm một chút vì xuất phát muộn thường gặp mưa. Tôi nghe và “dạ” nhưng vẫn quyết tâm đi. Đúng như lời các anh, cả chặng đường dài vắng vẻ, thảng hoặc mới gặp người đi làm rừng về. Xe bắt đầu lên dốc thì mưa rừng đổ xuống mờ mịt.
Tôi ngồi dưới tán rừng lá đỏ. Lá rừng vẻ như ồn ào nhưng cũng rất kiệm lời. Và dưới mỗi cây rừng hình như chất chứa những lời chân thật. Tự nhiên những ảnh ảo tuổi thơ ùa về. Tôi nhớ mình của 30 năm trước. Về cô bé bao năm rời làng, rời rừng nhưng vẫn nhớ xiết bao chốn cũ đã thương. Nhớ chòi rẫy chiều chiều lẻ bóng ven bìa rừng, dáng cô độc trong gió sương. Nhớ bạt ngàn cánh hoa bay nở trắng trời trên đường đám bạn vào rừng mót củi, hái măng. Nhiều khi nỗi nhớ ấy trả tôi về với những trong vắt tâm hồn để có sức mạnh vượt qua sự phiền muộn cố hữu, bao mỏi mục trong buổi hoàng hôn.
Tôi nhớ mình thích đứng dưới tán cây, ngước mắt ngắm ánh sáng lọt qua vòm lá, để cho ánh sáng phủ tràn trên tóc, để nghe thầm thì câu chuyện nào được kể bên cây. Lắng nghe lời chân thật từ rừng nhưng sao cứ hồi hộp. Đó là cuộc du ngoạn trong cõi mơ và thực, về nơi tinh khiết tâm hồn. Thi thoảng trong giấc mơ, đôi khi ám thị tôi là những dãy rừng bạt ngàn xanh thẳm, những chiếc lưng còng gò mình địu mớ thổ sản cần mẫn bước ra từ rừng. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị rừng “bỏ bùa mê” mất rồi.
Dưới tán rừng với miên man màu diệu kỳ của diệp lục, cùng trạng huống sắc thái của lá cây, tôi thấy cần thật thà với mình. Tôi thật thà để ngắm nhìn lần nữa niềm thích thú, cùng nỗi thắc mắc khi những cánh rừng chỉ còn là cây không lá. Rồi những dịp tình cờ tìm lại, tôi thấy chúng thi thoảng được nhuộm vàng, nhuộm đỏ mênh mang giữa buổi giao mùa. Chúng đang trở mình đầy rạo rực để bừng lên mùa lá mới.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng: Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch
Bỏ phố về rừng làm trang trại kết hợp du lịch
Sau đó nhiều lần nữa, tôi lại có dịp về thăm vùng căn cứ Krong. Người bạn đón tôi với lời hẹn hứa một chuyến ngược rừng thú vị, thăm cánh rừng nguyên sinh ở ngay sát làng của bạn. Ngước nhìn lên, đã thấy những bóng cây cổ thụ sừng sững. Màu xanh ngút ngàn trước mắt. Hiếm có một nơi nào có lối đi vào rừng đẹp như nơi đây, với bao cây rừng sừng sững, cao vút trong gió.
Bạn dẫn tôi đến thăm cây ghi dấu chiến công ngày đầu kháng chiến. Tôi đã sờ vào lớp vỏ chai sạn của cây gỗ sưa, lớp vỏ thô ráp lòng bàn tay. Và phía trên đầu tôi một chút còn dấu vết nu lên của thịt cây mà ở giữa là một lỗ to. Đó là dấu vết của mảnh đạn găm vào trong những năm chiến tranh ác liệt.
Tôi đi xuyên qua những con suối nhỏ, qua những vòm rừng xanh mát. Trên đó, có một cánh rừng già. Rừng đã giữ đất, giúp cho ngôi làng nhỏ bình yên sau bao cơn giận dữ của đất trời. Bạn tôi quay sang dặn dò: Hãy bước thật chậm để nghe tiếng thở của rừng. Từng bước chân của bạn yên lặng như cách bạn chạm vào từng cây cỏ. Bạn di chuyển rất nhẹ, thi thoảng dừng lại, ngước mắt nhìn lên đâu đó phía những tán cây, nghe ngóng, rồi thầm thì những lời tự nói với mình.
Tôi nhớ, nhà thơ Robert Lee Frost từng nói: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”. Tôi nhận ra một bài học, rừng cũng như con người không có lời chân thật nào bằng chính sự mách bảo từ trái tim. Đời rừng càng già, càng cằn cỗi càng cần những cảm nhận thật sâu trong tim. Dĩ nhiên với mỗi người chẳng có lời chân thật nào mãi mãi nếu rừng không còn là cõi thiêng của đất đai, thảo mộc để một lời nói thật thà với rừng mãi ngân ca.