Kinh tế

Giá cả thị trường

Lồng đèn "Made in Vietnam" áp đảo hàng Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên, sau hàng chục năm, lồng đèn "Made in Vietnam" áp đảo thị trường.

Covid-19 và các biến thể đã buộc mọi hoạt động "đứng hình". Hơn hai năm liền, không thể du lịch, không có trung thu. Đầu 2022, dịch bệnh được khống chế, du lịch bung như lò xo. Kinh tế Việt Nam hậu dịch phục hồi xếp thứ 14 nhưng du lịch có thể nói đang dẫn đầu thế giới. Khách Outbound tàm tạm, Inbound khiêm tốn nhưng du lịch nội địa bao sân. Doanh thu hè 2022, nhiều doanh nghiệp vượt trước dịch (hè 2019). Trung thu năm nay cũng khởi sắc.

Lồng đèn Việt lên ngôi

Kinh tế vẫn khó khăn nên mùa trung thu bánh trái không tràn ngập như trước nhưng có nhiều tin vui. Lần đầu tiên, sau hàng chục năm, lồng đèn "Made in Vietnam" áp đảo thị trường. Trước dịch, năm nào lồng đèn Trung thu Trung Quốc cũng thống trị nhờ giá rẻ dù chất lượng phập phù, mẫu mã đa dạng (nhiều mẫu sao chép, nhái hàng Việt).

Năm nay khác hẳn. Lồng đèn nội lên ngôi, đặc biệt là lồng đèn thủ công. Một phần nhờ mẫu mã phong phú, cách tân, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Nguyên nhân một phần do Trung Quốc đang tự trói mình, nhường sân chơi cho thiên hạ vì kiên trì chống dịch "Zero Covid", "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Sức mua tăng nhanh, nhiều điểm bán lồng đèn không đủ nguồn cung. Điều này khiến người bán, người mua đều phấn khởi. Các loại lồng đèn lớn trang trí cũng đang hút khách. Không chỉ TP HCM, Hà Nội mà cả các tỉnh thành khác, khách hàng, ngoài gia đình và các bạn nhỏ, nhiều đơn vị cũng mua rất nhiều lồng đèn để tổ chức lễ hội và chương trình từ thiện.


 

Lồng đèn Made In Vietnam có mẫu mã đa dạng và đậm chất truyền thống. Ảnh: AN NA
Lồng đèn Made In Vietnam có mẫu mã đa dạng và đậm chất truyền thống. Ảnh: AN NA


Mặt hàng chủ yếu được sản xuất thủ công là lồng đèn làm từ giấy màu bóng, khung tre nứa, nhựa mỏng... giá bán phổ biến 25.000 - 60.000 đồng mỗi chiếc. Các sản phẩm lớn, giá đến mấy trăm ngàn đồng. Còn lồng đèn nhựa, có pin, nhạc, đèn điện giá cao hơn nhưng không được chuộng như trước dịch.

Điều đáng mừng, nhiều doanh nghiệp lâu nay đứng ngoài thì nay chủ động nhập cuộc ngày càng nhiều nên thị trường lồng đèn càng sôi động, từ mẫu mã, giá cả đến chiết khấu đều cạnh tranh. Nhiều nơi làm không kịp, phải tăng ca làm đêm. Mặt hàng được ưa chuộng nhất là lồng đèn ngôi sao thủ công.

Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định) mấy tháng nay nhộn nhịp, đèn sáng đêm, làm hối hả cho kịp các đơn hàng. Đây là làng nghề duy nhất cả nước, chuyên làm đèn ông sao thủ công. Trước đây, vì nhiều lý do, sản xuất lồng đèn của Làng Báo Đáp bị thu hẹp, có nguy cơ mai một. Từ vài năm nay, đặc biệt là hậu dịch, đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Mơ ước về chiếc lồng đèn thuần Việt

Trên còn đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1, TP HCM), thấy xe đẩy hàng có treo mấy chùm đèn ông sao, tôi hỏi sao không treo bán những lồng đèn khác, người bán bảo: "Hồi nhỏ tụi em toàn chơi đèn ông sao nên thích bán loại đèn gắn tuổi thơ mình. Với lại, năm nay khách cũng hỏi nhiều loại lồng đèn rất Việt Nam này". Nghe mà ấm lòng mát dạ. Khi tôi hỏi tên, bạn chỉ cười: "Cứ gọi em là cô bán hàng rong".

Bạn còn mở cho nghe đoạn nhạc rộn ràng: "Chiếc đèn ông sao" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. "Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao qua đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan. Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh. Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn. Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh. Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi. Tùng dinh dinh tùng tùng dinh dinh…".


 

Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lồng đèn Việt để trang trí, tổ chức các chương trình, lễ hội. Ảnh: AN NA
Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lồng đèn Việt để trang trí, tổ chức các chương trình, lễ hội. Ảnh: AN NA


Bài hát được sáng tác năm 1956, đã trở thành "Trung thu ca" của thiếu nhi Việt Nam nhiều thế hệ, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Bài hát còn được phổ biến ở Đông Đức bằng song ngữ. Cùng với bài hát, đèn ông sao là biểu tượng Trung thu của trẻ em Việt Nam, chủ yếu là tự làm. Dù "tay nghề" khác nhau nhưng lồng đèn nào cũng có hồn của chủ nhân.

Không hiểu vì lý do gì, lồng đèn ông sao ngày càng hiếm, chỉ còn xuất hiện chừng mực trong các xóm đạo dịp Giáng sinh. Thay vào đó là lồng đèn đỏ và vô số kiểu lồng đèn Trung Quốc. Văn hóa Trung thu Việt bị biến dạng, méo mó.

Trong khi lồng đèn ông sao bị quên dần ở Việt Nam nhưng thì ở cạnh chúng ta, Campuchia, đèn ông sao đang là biểu tượng may mắn, hạnh phúc được người Khmer trân quí, treo từ trong nhà, ra trước cửa, trên ngọn cây… vào dịp Tết Chol Chnam Thmey (Năm mới của người Khmer). Chung Tết với Thái Lan, Lào, Myanmar và nhiều nước khác, Tết Khmer có thêm đèn ông sao. Tất cả đều làm thủ công.

Điều ngạc nhiên nhất là cộng đồng người Hoa ở Campuchia cũng treo đèn ông sao thay vì đèn lồng đỏ. Tự dưng thấy thương và tiếc cho lồng đèn ông sao Việt. Vậy làm sao để chấn hưng văn hóa Trung thu Việt? Tôi mạo muội đề nghị một đơn vị nào đó khởi xướng đợt vận động về lồng đèn ông sao thuần Việt. Đồng thời, vận động cá nhân, gia đình và các đơn vị dùng đèn ông sao trang trí vào các dịp Tết, lễ như một trong những biểu tượng của chủ quyền đặc trưng văn hóa Việt. Đăng ký bảo hộ bản quyền quốc tế.

Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi làm lồng đèn ông sao. Phổ cập các clip hướng dẫn và bán các vật dụng làm lồng đèn ông sao để phụ huynh, giáo viên giúp các em tự làm ở nhà, ở lớp. Nghiên cứu các loại giấy chống cháy hoặc khó cháy để bảo đảm an toàn. Trung thu phải là hoạt động văn hóa của trẻ em đúng nghĩa.

Ngoài ra, từng địa phương nên khen thưởng các nghệ nhân còn giữ lửa cho nghề làm đèn ông sao, đặc biệt là làng Báo Đáp (Nam Định). Đưa các làng nghề này vào điểm tham quan để du khách trải nghiệm, nhất là dịp Tết, Trung thu, Quốc khánh…

Đặc biệt, chúng ta không tẩy chay lồng đèn đỏ nhưng cần cách tân, Việt hóa, khuyến khích sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới nhưng lồng đèn ông sao phải có vị trị tương xứng.

NGUYỄN VĂN MỸ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm