(GLO)- Hôm nọ, cô bạn cùng chuyên ngành trong Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh gọi điện rủ: “Anh, chủ nhật này đi làm từ thiện với bọn em, gặp nhau ở…”. Mỗi khi nhận được những cuộc điện thoại như thế này, tôi lại thấy lòng mình thêm ấm áp.
Cả nước hiện có rất nhiều trường hợp được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chính sách xã hội thì cần huy động sự tham gia thực hiện của cả cộng đồng, dựa vào truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”. Riêng ở tỉnh ta, Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh hay Làng Trẻ em SOS Pleiku làm sao cưu mang hết người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi cơ nhỡ. Thế nên đã ra đời rất nhiều tổ chức hành thiện của các tổ chức, cá nhân giàu lòng thiện nguyện, giàu đức hy sinh. Và những người kém may mắn đã có được miếng cơm no, manh áo ấm, nụ cười tươi, con chữ mở ra, tương lai hướng đến… bằng sự góp sức của cả cộng đồng.
Ảnh minh họa |
Lòng thiện nguyện không phải đo đếm bởi tiền của ít hay nhiều, công dày hay sức mỏng, được lưu tên ghi sổ, bia đá bảng vàng, đời sau hưởng phúc… mà chính bởi thực tâm. Làm việc tốt, thấy vui, nhẹ lòng.
Thế nên, có những cụ già hàng ngày, từ rất sớm đến chùa Bửu Châu (279/2 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chăm lo miếng ăn cho đàn cháu kịp giờ đến lớp, kịp giờ vui chơi.
Thế nên có doanh nhân hàng năm hỗ trợ phần lớn lương thực cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh mà đề nghị được giấu tên, ngay cả với những người được hưởng nguồn lương thực ấy.
Như những người mắc bệnh tâm thần bên dốc Hàm Rồng được ông Hà Tư Phước nuôi dưỡng có bao giờ nói được tiếng cảm ơn và chính ông Phước cùng bao tấm lòng thiện nguyện trong và ngoài nước hướng về họ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến sự hàm ơn!
Thì cũng chỉ là vài ví dụ, làm sao kể hết.
Nhưng, chỉ cần một vài đơn cử như thế cũng đủ cho ta thấy, lòng thiện nguyện vẫn thường ẩn sâu trong trái tim mỗi chúng ta. Lại nhớ có lần, tôi dành thời gian trao đổi với học viên ở một lớp trung cấp Lý luận chính trị-Hành chính về chủ đề “Lòng thiện nguyện”. Cứ tưởng nội dung đó chỉ dừng lại trong lớp học, nào ngờ ngay cuối tuần ấy, họ mời tôi cùng đi thăm cơ sở nuôi trẻ mồ côi của ông Đinh Minh Nhật (thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cùng quà tặng.
Trong thực tế, đôi khi lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng. Kẻ xấu có nhiều thủ đoạn, trò bịp: chăn dắt trẻ em ăn xin để thu tiền, giả dạng ốm đau bệnh tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngửa nón chờ rủ lòng thương; hoặc đại diện tổ chức khuyết tật nọ, nhóm bệnh nhân kia lừa mua ủng hộ sản phẩm làm ra với giá cắt cổ có mặt khắp từ làng quê đến phố thị, chốn linh thiêng cũng không chừa nên đã không ít người chừng như lạnh lùng vô cảm trước nỗi đau của đồng bào; hoặc đắn đo dò xét, ra điều suy nghĩ trước khi móc ví, dù vẫn ý thức rằng: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Nhưng dù gì, mỗi lần sẻ chia cũng thấy ấm áp trong lòng…
Nguyễn Đình Phê