(GLO)- Tết chỉ còn đếm ngược từng ngày, nhà nhà đã gần như hoàn tất việc sắm sửa và trang hoàng lại tổ ấm của mình để đón xuân, trong đó, bàn thờ tổ tiên là nơi được nhiều gia đình lưu tâm. Các cửa hàng kinh doanh lư, đèn đồng và dịch vụ đánh bóng mặt hàng này nhờ vậy lại có dịp “lên ngôi” mỗi dịp xuân về.
Chị Trần Thị Diệu, cháu ngoại cụ Tấn, đang tư vấn mặt hàng cho khách. Ảnh: Hồng Thi |
Đầu tháng Chạp, đồ thờ cúng bằng đồng như lư hương, chân đèn, kì lân, hạc... lại được bày bán trên nhiều tuyến đường tại trung tâm TP. Pleiku. Nếu lúc đầu chỉ có lai rai người tới hỏi mua thì càng gần ngày Tết, những địa điểm kinh doanh mặt hàng này lại nhộn nhịp khách ra vào. Bởi lẽ, khi Tết chỉ còn vài ngày nữa, ai cũng gấp rút chăm chút cho nơi thờ tự được sạch đẹp, tinh tươm để rước tổ tiên, ông bà về “ăn Tết”. Bà Hai Thịnh (08 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku) tâm sự: “Sắp Tết rồi nên hôm nay tôi cùng con dâu tranh thủ đi mua thêm cặp đèn đồng cho đủ bộ. Cặp này của Sài Gòn, dài hai tấc rưỡi có giá 430.000 đồng, gì chứ bàn thờ là phải chỉnh trang lại cho đàng hoàng, chu đáo”.
Tại một góc ngã tư đường Trần Phú giao với Hoàng Văn Thụ, dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa ngày cuối năm, ông cụ Phan Hữu Tấn (82 tuổi) cùng cô cháu ngoại-chị Trần Thị Diệu-vẫn cặm cụi bày hàng ra bán và rất nhiệt tình tư vấn cho khách để họ có sự lựa chọn hợp lí nhất cho nơi thờ cúng của mình. Theo lời kể của cụ Tấn, gần 20 năm nay, cứ tầm cuối tháng 11 Âm lịch là ông lại sửa soạn hàng hóa, vượt một quãng đường dài từ thôn Bằng Châu, thị xã An Nhơn, Bình Định lên TP. Pleiku. “Ngồi ở đây lâu nên cũng gắn bó, nhiều người quen mặt biết tên là cứ đến đây ủng hộ. Năm nay bán buôn có vẻ thuận buồm xuôi gió hơn năm ngoái, đến giờ cũng đẩy đi được 22 bộ lư đèn cỡ lớn, còn loại nhỏ và các món rời thì nhiều”-cụ Tấn chia sẻ.
Bộ lư đèn đồng của Đài Loan được chạm khắc tinh xảo được bán với giá khá cao. Ảnh: Hồng Thi |
Theo những người kinh doanh mặt hàng này, lư đèn đồng năm nay mẫu mã sắc sảo hơn mọi năm, kích thước cũng khá đa dạng và phong phú. Hàng chủ yếu được họ lấy từ Hợp tác xã đồ thờ Đập Đá (Bình Định) và chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh), được chia thành 3 loại theo xuất xứ: hàng Đài Loan, hàng Sài Gòn và hàng Bình Định. Theo đó, hàng Đài Loan được bán với giá cao vì được chạm trổ công phu, nước đồng lại sáng đẹp, trưng thờ vĩnh viễn mà không bị sỉn màu (bộ thấp nhất là 4 triệu đồng, cao nhất là 7 triệu đồng). Tiếp đến là hàng Sài Gòn, dùng 2-3 năm mới phải “tút” lại (thấp nhất là 1,7 triệu đồng/bộ, cao nhất là 5,8 triệu đồng/bộ) và cuối cùng rẻ nhất là hàng Bình Định (nước đồng tối màu hơn, được đúc mỏng hơn).
Cụ Tấn cho biết thêm: Thị trường mấy năm gần đây chuộng lư đèn cỡ trung và nhỏ nên giá của chúng năm nay tăng thêm khoảng 200.000 đồng mỗi bộ. Riêng cỡ lớn thì lại giảm từ 300.000-500.000 đồng/bộ tùy theo kích thước và mặt hàng.
Những cửa tiệm kinh doanh lư, đèn ít thu hút khách hàng hơn các sạp bán lề đường. Ảnh: Hồng Thi |
Hơn 15 năm kinh doanh mặt hàng phục vụ “chốn thiêng” trong nhà, chị Sương-chủ tiệm Lư, đèn đồng Tám Lâm (26B Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) cũng nhận định rằng, thị trường tiêu thụ năm nay có chiều hướng khả quan. Tuy nhiên, so với các tụ điểm buôn bán ngoài lề đường, những cửa hàng như chị Sương lại có phần ít khách hơn. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Sương lí giải: “Những người ngồi ngoài đường đa số là từ các huyện, tỉnh lân cận tập trung về, họ được chọn cho mình nơi thuận tiện nhất để buôn bán. Giá cả họ bán cũng không cố định, khách vì thế nên dễ thương lượng hơn. Còn tại các cửa hàng kinh doanh lâu năm như chúng tôi, mức giá đã được ấn định, chỉ thỉnh thoảng lên xuống theo mức thị trường. Nếu mùa Tết bán chậm thì tụi tôi để lại bán quanh năm, chứ không bán tháo”.
Ngoài lư, đèn đồng, tiệm Tám Lâm còn có các mặt hàng sử dụng cho việc thờ cúng khác được nhiều người ưa chuộng như: tượng phúc-lộc-thọ, đèn đồng xài điện, trang thờ, khung ảnh thờ, bình hoa, vật khí phong thủy…
Nghề đánh bóng lư đồng “lên ngôi” những ngày giáp Tết. Ảnh: Hồng Thi |
Những ngày này, dịch vụ đánh bóng đồ đồng cũng không kém phần tấp nập. Thay vì mua bộ mới, nhiều người đã mang đi “tút” lại những chiếc lư, chân đèn đã bị sỉn màu theo thời gian. Cũng có một số khách hàng lại thích mua hóa chất về nhà tự đánh bóng. Thông thường thì các cửa hàng bán lư, đèn kiêm thêm dịch vụ này, nhưng hiện nay, vẫn có nhiều người “lấn sân” và hết mùa lại quay về với công việc cũ. Dù biết làm nghề này phải đối mặt với bụi bặm, hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhưng họ vẫn coi đây là một công việc “hái ra tiền” mỗi dịp Tết đến xuân về. Có lẽ cũng chính vì tính chất đó mà đánh bóng đồ đồng được nhiều người ví von là “nghề nửa tháng”.
Dạo khắp các tuyến phố, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người thợ cặm cụi bên chiếc máy, tỉ mẫn biến những món đồ đồng trở nên sáng loáng. Trung bình phí đánh bóng một bộ cỡ lớn là 200.000 đồng, cỡ nhỏ là 150.000 đồng. Thuốc chùi đồng được nghiền nát và bán với giá 5.000 đồng/bịch (khoảng 100 gr).
Kinh doanh hay đánh bóng đồ đồng thờ cúng có thể gọi là cái nghề thời vụ. Thế nhưng từ lâu, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu tạo nên không khí cho ngày xuân thêm ấm áp và rộn ràng.
Hồng Thi