Du lịch

Hành trang lữ hành

Lữ hành Việt Nam tiếp tục 'ngủ đông' qua kỳ nghỉ lễ vàng 30/4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành du lịch chứng kiến cảnh tượng "ngủ đông" qua "kỳ nghỉ vàng" dịp lễ 30/4-1/5.
Lăng Bác-Quảng trường Ba Đình vắng vẻ những ngày giãn cách vì COVID-19. (Ảnh: Đậu Đậu/Vietnam+)
Các đơn vị lữ hành lớn trên cả nước cho biết sẽ tiếp tục “ngủ đông” qua kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, bởi họ không thể đảm bảo được các dịch vụ cho khách hàng. Tất cả các nhà hàng, khách sạn, vận chuyển… thời gian qua đều đóng cửa, cắt giảm nhân sự nên không thể quay trở lại vận hành ngay khi giãn cách được nới lỏng.
“Không ai mong sớm được làm tour như bên chúng tôi, nhưng an toàn cho khách vẫn là trên hết. Ngay khi hết dịch bệnh chúng tôi sẽ có chương trình kích cầu,” đại diện Saigontourist chia sẻ.
Tương tự như Saigontourist, các công ty du lịch khác khi được hỏi như Vietravel, TransViet, Golden Life… cũng cho biết chưa thể mở bán tour cho kỳ nghỉ vàng 30/4 năm nay do những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Trước cảnh “chợ chiều” ảm đạm đó của ngành du lịch nước nhà, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng) đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp du lịch cả nước về những khó khăn, thách thức trong đại dịch COVID-19.
Khảo sát nhằm cập nhật tình hình kinh doanh của ngành, tìm hiểu khó khăn của các doanh nghiệp, qua đó sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng của các doanh nghiệp trong đại dịch và đưa ra các kiến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết khảo sát này đã được thực hiện từ ngày 13-17/4/2020, với 394 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành, bao gồm 51% doanh nghiệp là công ty lữ hành, 15% là khách sạn và 14% là doanh nghiệp vận tải. 92% doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người.
“Trong số các phản hồi nhận được, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong quý 1 năm 2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80%. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc với tỷ lệ từ 50% đến 80%,” ông Chính nói.
Đáng lưu ý, 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc. Hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.
Với tình hình khó khăn này, trước mắt, Thủ tướng đã thông qua đề xuất áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.
Theo đó, đối với các cơ sở lưu trú du lịch, Bộ Công thương điều chỉnh đối với các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định của Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan) giảm giá điện từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá.
Theo Đậu Đậu (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm