TN - Đất & Người

Lúa rẫy Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời xa xưa, người Tây Nguyên sống rất gần rừng, yêu rừng và hòa thuận với rừng. Canh tác chủ yếu trong rừng, họ phát những cây nhỏ, những đám cây bụi thực bì, thường chừa lại những cây đại thụ quá cỡ. Chờ cho cây khô rồi họ đốt có sự hiệp đồng với nhau và khống chế theo ý muốn.

Đến đầu mùa mưa thì họ dùng cây có đầu nhọn chọc lỗ vào tầng đất xốp để tra hạt giống. Thông thường có hai cách đoán định thời gian gieo hạt: nhìn quả bông gòn thả hạt (cây pơ lang trơn thả túm bông có hạt bay phát tán trong không gian) hoặc nhìn dòng suối gần làng sủi bọt tăm.

Họ không cày trâu vì tin rằng con trâu Yàng cho để chăn nuôi làm vật tế thần, bắt nó mang ách cày sẽ bị Yàng quở trách. Trong canh tác, người Tây Nguyên cũng không bón phân vì họ cho rằng phân là thứ bẩn thỉu ô uế, bỏ vào đất rẫy, Yàng lúa sợ mà bỏ đi, gây ra mất mùa.

 Người Bahnar ở xã Đak Trôi (huyện Mang Yang) thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Gia
Người Bahnar ở xã Đak Trôi (huyện Mang Yang) thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Gia


Người Tây Nguyên xưa đến mùa thu hoạch thì để cho lúa khô trên cây mới dùng tay tuốt lấy hạt đem về đổ luôn vào kho trong rừng. Họ không dùng liềm cắt lúa, vì sợ làm đau thần lúa ẩn trong thân cây. Để chặt một cây cổ thụ trong rừng, trước đó họ phải đổ máu chó vào gốc cây cho thần cây bỏ đi rồi mới chặt.

Ở rẫy rừng, người Tây Nguyên trồng đủ thứ cây từ lúa, bắp, mì đến những loại rau quả như bầu bí, rau lang, rau dền, đu đủ... Vì vậy, họ không lập vườn trong nơi cư trú của làng.

Việc canh tác nương rẫy như một lối cộng sinh với thiên nhiên. Đó là phương thức canh tác luân canh bỏ hóa tự nhiên theo chu kỳ vòng tròn nhằm tận dụng khả năng tự tái sinh của rừng, tự bồi bổ màu mỡ của rừng cho đất.

Sản phẩm của rẫy rừng vì vậy rất thơm ngon và trong lành.

Lúa đa phần là giống dài ngày, thời gian sinh trưởng kéo dài một cách tự nhiên hết 6 tháng mùa mưa. Những giống lúa hạt tròn ấy chất lượng rất cao, phẩm chất rất tốt. Người Tây Nguyên xưa làm rẫy một mùa ăn trong cả năm nhưng cơm nấu lên luôn thơm dẻo. Họ thường nấu một bữa ăn cả ngày. Cơm đùm đi rẫy ăn nguội vẫn không khô cứng. Hạt cơm mềm nhưng không dính tay. Người Tây Nguyên thường nhón cơm bằng ngón tay mà ăn với muối cỏ thơm, ít phải dùng các loại thức ăn cầu kỳ. Nếp của người Tây Nguyên cũng thơm dẻo, nhưng không quá nát, không quá ngán ngậy như nếp ruộng nước thâm canh của người Kinh. Loại nếp này giống như nếp Lào, có thể bốc bằng tay, chấm muối hoặc nước mắm ngon để ăn rất thuận lợi, ăn nhiều bữa nhiều ngày không nê không ngán.

Tuy thơm thảo ngạt ngào là vậy, nhưng canh tác nương rẫy cũng có những hạn chế, không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Trước tiên, canh tác nương rẫy luân canh cần rất nhiều quỹ đất rừng. Luân canh 3 năm cần ba lần quỹ đất. Luân canh 5 năm cần năm lần quỹ đất. Đó là một điều rất bất hợp lý trong thời buổi cần bảo vệ môi trường rừng nghiêm ngặt. Mặt khác, việc canh tác lúa rẫy chiếm thời gian quá nhiều (6 tháng), nhưng năng suất lại rất thấp (1-2 tấn/ha/năm). Đây là những hạn chế khi dân số tự nhiên đã tăng cao nhiều lần, nhu cầu cái ăn của con người vì vậy cũng đòi hỏi rất lớn.

Ngày nay, một số vùng như 5 xã Đông sông Ayun của huyện Mang Yang (Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang, Đak Trôi) đã tạo được những mô hình nương rẫy thâm canh, trồng các giống lúa của một thời xa xưa rất thành công. Nó như sự hoài cổ hoài niệm một thời sống với rừng, bám vào rừng để kháng chiến. Lúa Ba Chăm của vùng đất này gần đây đã xây đựng được thương hiệu gạo nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Gạo Ba Chăm đã thành sản phẩm OCOP. Hương vị của rẫy nương lại được tái hiện trong thời kinh tế hàng hóa thị trường hiện đại. Đó như là sức sống kỳ diệu của ngàn năm nương rẫy! Là phương thức canh tác nương rẫy hài hòa bền vững. Một lối đi hẹp nhưng ngạt ngào thú vị của hương vị lúa nương Tây Nguyên!

 

NHÂN SƠN

 

Có thể bạn quan tâm