Bạn đọc

Luân chuyển giáo viên: Cần thấu tình, đạt lý

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cũng đã có nhiều động thái tích cực thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm xem xét.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ngày 5-2-2018, UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) ban hành quy định về việc tiếp nhận, điều động đối với viên chức, giáo viên tại các trường học trên địa bàn. Ngay sau khi các quyết định điều động, luân chuyển được ban hành, một số giáo viên đã gửi đơn đề nghị xem xét lại quy trình này trên tinh thần “hợp tình, hợp lý”. Trong số đó có đơn của cô Nguyễn Thị Trường Lâm-giáo viên bộ môn Hóa học, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Ia Hrung). 
Trong đơn, cô Lâm trình bày: Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đang thừa giáo viên dạy môn Hóa học nên cô được xếp vào diện dôi dư, phải chuyển đến Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ia Chía). Đây là xã vùng biên giới mà trước đó cô đã có thời kỳ công tác liên tục hơn 4 năm. Lý do được đưa ra là trường này đang có nhu cầu nhận giáo viên dạy môn Hóa học. Tuy nhiên, có một nghịch lý là cuối năm học này, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ có một giáo viên dạy môn Hóa học nghỉ hưu, nếu cô Lâm được điều động đi nơi khác thì chắc chắn trường phải tuyển thêm một giáo viên dạy môn Hóa ở nơi khác về để bổ khuyết chỗ trống này. Ngoài ra, theo quy định, việc luân chuyển, điều động đối với giáo viên phải đảm bảo hài hòa 3 tiêu chí: bộ môn, nhu cầu và hoàn cảnh. Trong đó, tiêu chí hoàn cảnh nêu rõ những trường hợp cần xem xét gồm: là đối tượng thuộc gia đình chính sách, con liệt sĩ, thương binh; có chồng/vợ là bộ đội, công an đang công tác tại các đơn vị lực lượng vũ trang; chồng/vợ hiện đang công tác tại đơn vị trường học vùng đặc biệt khó khăn; hoàn cảnh gia đình neo đơn, bệnh tật... Theo đơn của cô Lâm, hoàn cảnh của gia đình cô hết sức khó khăn, 2 con còn nhỏ, chồng là Bộ đội Biên phòng công tác vùng biên giới, gia đình thì ở Pleiku. Nếu tiếp tục phân công điều động lên vùng biên giới công tác thì cô sẽ khó đảm nhiệm được công việc và có thể phải bỏ nghề, bỏ việc sau 14 năm công tác.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai-cho biết: “Hiện chúng tôi đã nhận được đơn của một số giáo viên, trong đó có đơn của cô Lâm trình bày nội dung như đã nêu trên. Cái khó của chúng tôi hiện nay là phải dựa trên quy định của UBND huyện chứ không thể làm khác được vì tiêu chí, quy định, quyết định đã ban hành… Không nên tạo tiền lệ, vì nếu người này làm đơn mà được giải quyết thì người khác cũng thế, như vậy rất khó. Không thể chạy theo đơn của họ được”. 
Chưa đề cập đến vấn đề liệu quy trình thực hiện từ cấp trường lên đến cấp phòng và người quyết định cuối cùng là Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đã thực sự công bằng, dân chủ hay chưa, nhưng hy vọng rằng: Sau khi tiếp nhận đơn trình bày hoàn cảnh, điều kiện công tác thực tế của cô Nguyễn Thị Trường Lâm, cấp có thẩm quyền và những người có trách nhiệm sẽ tránh sự máy móc, rập khuôn để xem xét lại và giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Đừng để một giáo viên đam mê với nghề sau 14 năm công tác lại phải bỏ việc vì hoàn cảnh và những thủ tục hành chính như đã nêu trên.
Gia Cư

Có thể bạn quan tâm