(GLO)- Sáng 14-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát Cơ động với 454/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,16% tổng số đại biểu Quốc hội.
Dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 2. Tại kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp tục thảo luận, cho ý kiến và làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát Cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.
Luật Cảnh sát Cơ động được thông qua gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát Cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát Cơ động như kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát Cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát Cơ động.
Toàn cảnh phiên họp sáng 14-6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trong đó, Luật đã quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát Cơ động, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động, bổ sung thêm 2 quyền hạn. Thứ nhất là được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát Cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Quyền hạn thứ hai được bổ sung thêm cho Cảnh sát Cơ động là ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát Cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Cảnh sát Cơ động được thông qua sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Pháp lệnh hiện hành về Cảnh sát Cơ động. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của Cảnh sát Cơ động. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát Cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Luật Cảnh sát Cơ động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)