Pháp luật

'Luật ngầm' ở các trung tâm đăng kiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Phải đến khi vụ án được phanh phui, dư luận mới tỏ tường những quy trình ngầm tại các trung tâm đăng kiểm.

Trong những năm qua, báo chí đã không ngừng phản ánh những hành vi tiêu cực và tham nhũng tại các trung tâm đăng kiểm trên khắp cả nước. Tại TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động cũng không ít lần thâm nhập các trung tâm này để ghi lại hình ảnh các đăng kiểm viên gợi ý và nhận tiền hối lộ từ các chủ phương tiện. Những vụ lót tay diễn ra một cách công khai và trắng trợn. Song, phải đến khi vụ án được phanh phui, dư luận mới tỏ tường những quy trình ngầm tại các trung tâm này.

Bóp méo quy trình

Trong nhiều ngày qua, tại TAND TP HCM, an ninh được thắt chặt để bảo đảm trật tự cho phiên tòa lớn nhất trong lịch sử ngành đăng kiểm Việt Nam. Đây là sự kiện pháp lý đặc biệt, không chỉ vì số lượng bị cáo kỷ lục - 254 bị cáo mà còn vì tính chất nghiêm trọng và lan rộng của các hành vi phạm tội. Trong phiên xét xử này, các bị cáo, từ cấp thấp đến cấp cao trong hệ thống đăng kiểm, đều phải đối diện với công lý.

Đăng kiểm là quá trình kiểm tra và xác nhận tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Theo quy định, mỗi phương tiện cần trải qua một loạt kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt, bao gồm kiểm tra hệ thống phanh, đèn, gầm xe, mức khí thải… Tuy nhiên, trong vụ án này, quy trình đó đã bị bóp méo một cách có hệ thống.

Câu chuyện bắt đầu từ việc các đăng kiểm viên, nhân viên trung tâm phát hiện phương tiện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Thay vì yêu cầu sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận thì đăng kiểm viên lại gợi ý đưa hối lộ. Các đăng kiểm viên yêu cầu một khoản tiền để bỏ qua các lỗi kỹ thuật. Số tiền này thường được thỏa thuận dựa trên mức độ vi phạm và loại phương tiện, có thể dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. Sự thỏa thuận diễn ra kín đáo nhưng lại khá phổ biến, trở thành quy trình ngầm tại nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước.

Sau khi nhận tiền, các đăng kiểm viên hoặc kỹ thuật viên tiến hành giả mạo kết quả kiểm tra. Những lỗi kỹ thuật nghiêm trọng sẽ biến mất trên giấy tờ, thay vào đó là những kết quả đạt chuẩn. Dữ liệu kiểm tra kỹ thuật bị sửa đổi hoặc nhập sai để hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Chưa dừng lại ở đó, để nhận hối lộ, các bị cáo tại một số trung tâm đăng kiểm còn dùng phần mềm để can thiệp vào kết quả kiểm định. Cụ thể, vào tháng 10-2019, Trương Duy Đức tại Trung tâm 15-05D (Hải Phòng) đã nhờ Hoàng Hữu Thịnh từ Trung tâm 73-02D (Quảng Bình) phát triển phần mềm chỉnh sửa dữ liệu kiểm định phương tiện. Thịnh đã tạo ra phần mềm FORM1 (MDO.exe) để chỉnh sửa kết quả kiểm định khí thải và sau đó phát triển phần mềm AVAST, có khả năng chỉnh sửa kết quả kiểm định theo ý muốn. Đức cũng thỏa thuận với Thịnh về việc bán phần mềm, chia sẻ lợi nhuận và giới thiệu phần mềm FORM1 cho Trần Thế Khánh Hổ từ Công ty TNHH Việt Nét. Từ đây, Hổ và Hồ Ngọc Nam đã chào bán cả hai phần mềm cho nhiều trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Các bị cáo tại tòa Ảnh: Hoàng Triều

Các bị cáo tại tòa Ảnh: Hoàng Triều

Những hệ lụy

Theo cáo trạng, các bị cáo trong vụ án này đã cùng nhau thực hiện hành vi nhận hối lộ. Việc các bị cáo cùng thực hiện hành vi sai trái như vậy dẫn đến một câu hỏi quan trọng: Liệu các bị cáo có nhận ra lỗi của mình không, hay là họ đã không nhận thấy mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm vì sự đồng lòng của cả tập thể?

Đây là lý do chính dẫn đến việc các cá nhân không nhận ra lỗi lầm của mình. Khi nhiều người trong một nhóm cùng thực hiện một hành vi sai trái, từng cá nhân có thể cảm thấy ít trách nhiệm hơn và cho rằng hành vi của mình không đáng kể so với toàn bộ hệ thống. Sự đồng tình và chia sẻ trong nhóm khiến mỗi cá nhân có thể coi hành vi vi phạm là bình thường hoặc thậm chí là hợp lý.

Chuẩn mực xã hội trong nhóm cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu việc nhận hối lộ trở thành một hành vi bình thường trong tổ chức, các cá nhân có thể tin rằng đây là chuẩn mực của nhóm, từ đó dẫn đến việc không nhận thức được mức độ sai trái của hành vi này. Thứ ba, sự đồng lòng trong việc chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cũng làm giảm nhận thức về hành vi sai trái. Khi số tiền hối lộ được chia đều giữa các bị cáo khiến mỗi cá nhân có thể thấy rằng mình chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể, từ đó giảm bớt cảm giác chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Cuối cùng, thiếu nhận thức về sai trái là một yếu tố quan trọng. Khi hành vi sai trái được thực hiện thường xuyên mà không bị phát hiện hoặc trừng phạt ngay lập tức, các cá nhân dễ dàng mất đi nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi đó.

Sau gần 2 năm bị tạm giam, cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà (53 tuổi) ra tòa với mái tóc bạc trắng. Tính đến nay, bị cáo Đặng Việt Hà đã nộp khắc phục hậu quả vụ án hơn 4,5 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm