Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ giải đáp về trường hợp mất xe mô tô tại quán cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Luật sư Bùi Thanh Vũ chia sẻ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bên giữ xe và bên gửi xe trong trường hợp mất xe mô tô tại quán cà phê.

*Bạn đọc T.V.H. (thị xã An Khê) hỏi: Tôi đi uống cà phê tại một quán ở thị xã An Khê. Khi đến quán, tôi đỗ xe mô tô tại khu vực để xe, có nhân viên bảo vệ trông coi nhưng không đưa phiếu giữ xe. Sau khi uống cà phê, tôi xuống khu vực để xe thì phát hiện xe mô tô của tôi đã bị mất. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về việc tôi bị mất xe?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Thêm vào đó, Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản trong trường hợp mất xe như sau:

1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc giao dịch trông giữ xe của khách hàng tại quán cà phê có thể xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Do đó, trường hợp giữa bạn và quán cà phê có phát sinh quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản có bảo vệ giữ xe, hướng dẫn đỗ xe thì theo quy định tại khoản 4 Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015, bên phía quán cà phê phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ những trường hợp bất khả kháng. Khi đó, giữa bạn và đại diện quán cà phê có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại hợp lý.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được mức bồi thường hoặc bên kia không chịu bồi thường thì bạn có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bên quán cà phê bồi thường cho bạn.

Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản như sau:

1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo đó, người gửi xe ở quán cà phê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên xe giữ làm mất xe.

Có thể bạn quan tâm