Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn bạn đọc về việc bị hàng xóm lấn chiếm đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- *Bạn đọc H.T.T. (huyện Chư Sê) hỏi: Tôi đứng tên thửa đất có diện tích khoảng 12.000 m2. Giáp ranh với thửa đất của tôi là thửa đất của ông N.V.B. có diện tích khoảng 20.000 m2.

Trong quá trình sử dụng, ông B. có hành vi lấn chiếm quyền sử dụng đất của tôi với chiều ngang khoảng 2 m, chiều dài khoảng 100 m. Tôi đã nhiều lần yêu cầu ông B. chấm dứt hành vi lấn chiếm và trả lại đất cho tôi nhưng ông này không đồng ý. Vậy tôi phải làm sao để yêu cầu ông B. trả lại đất?

* Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ”.

Ranh giới sử dụng đất đai được xác định bằng mốc giới cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện khi giao đất, cho thuê đất trên thực địa; được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất và được mô tả trong hồ sơ địa chính.

Đồng thời, Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản liền kề như sau:

“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Ngoài ra, cách xác định ranh giới thửa đất cũng được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong trường hợp của ông đã nêu, nếu ông B. không đồng ý trả phần đất lấn chiếm cho ông thì ông có quyền nộp đơn yêu cầu UBND cấp xã để hòa giải về tranh chấp quyền sử dụng đất của hai bên theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.

Nếu ông không đồng ý với kết quả hòa giải của UBND cấp xã thì ông có quyền nộp đơn khởi kiện đối với ông B. tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu ông B. phải trả lại phần đất lấn chiếm cho ông theo quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 “Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng”.

Sau khi thụ lý vụ kiện dân sự của ông thì Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định như: thông báo thụ lý vụ án; tổ chức đo đạc, định giá phần đất đang tranh chấp; thu thập tài liệu chứng cứ, tổ chức phiên hòa giải, công khai tài liệu, chứng cứ… và xét xử vụ án nêu trên theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên.

Có thể bạn quan tâm