Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
*Bạn đọc N.V.D. (huyện Ia Grai) hỏi: Đầu năm 2023, tôi có khởi kiện chia thừa kế với anh ruột của mình là ông N.V.T. để yêu cầu chia thừa kế đối với 30.000 m2 đất do cha mẹ để lại, không có di chúc. Trong tổng số 5 anh chị em tôi thì có 1 người em gái bị bệnh tâm thần, không còn khả năng nhận thức. Do đó, Tòa án hướng dẫn và yêu cầu tôi phải làm thủ tục tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Vậy tôi muốn làm tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự đối với em gái mình thì phải làm như thế nào?

Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc mất năng lực hành vi dân sự như sau:

“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.

Về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Điều 376 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:

“1. Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất, tinh thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Còn Điều 377 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định chuẩn bị xét đơn yêu cầu:

“Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu”.

Chiếu theo các quy định trên thì ông phải nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên bố em gái của ông bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả giám định về tâm thần của em gái ông để quyết định.

Có thể bạn quan tâm