Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về xử lý hành vi đánh người khi va quẹt giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- * Bạn đọc M.Đ.C. hỏi: Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc tài xế đánh người do va quẹt khi tham gia giao thông. Vậy hành vi này bị xử lý như thế nào?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người dân cần phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng vũ lực khi xảy ra va quẹt là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy mức độ nghiêm trọng, người sử dụng vũ lực có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu xác định là hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị xem xét xử lý theo các quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng-chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng-chống bạo lực gia đình.

Trường hợp xác định là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Trường hợp hành vi của người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy theo vụ việc, mức độ nghiêm trọng thực tế, người phạm tội có thể bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, sau đó chuyển hồ sơ đến viện kiểm sát cùng cấp để truy tố, chuyển hồ sơ đến tòa án để xét xử về một hoặc toàn bộ các tội danh như tội “Đe dọa giết người” theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức án người phạm tội phải chịu với từng tội danh như sau:

- Với tội đe dọa giết người, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất là 6 tháng, nặng nhất là 7 năm.

- Với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất là 6 tháng, nặng nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.

- Với tội gây rối trật tự công cộng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất là 3 tháng, nặng nhất là 7 năm.

Khi một người có nhiều hành vi phạm tội thì tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp toàn bộ hình phạt thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 3 năm trong trường hợp là cải tạo không giam giữ, không quá 30 năm trong trường hợp là tù có thời hạn; nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.

Có thể bạn quan tâm