Chính trị

Tin tức

Lực lượng vũ trang: Trung thành, đoàn kết, tận tụy, nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn phát huy truyền thống anh hùng, thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bên cạnh đó, các đơn vị còn làm tốt công tác dân vận, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Nâng cao hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Kẻng báo động chiến đấu của bộ phận trực chiến Lữ đoàn Phòng không 234 (Quân đoàn 3) vang lên. Toàn đơn vị đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tại trận địa trực chiến, những tiếng hô bắt, bám mục tiêu, tiếng hô cự ly của trắc thủ đo xa dõng dạc, dứt khoát. Những nòng pháo hướng lên trời xanh, sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu lạ xâm phạm bầu trời Tây Nguyên.

Đại tá Đỗ Thế Hùng-Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 234-cho biết: “Trong thời đại 4.0, tác chiến phòng không có nhiều thay đổi, kẻ địch có thể sử dụng công nghệ hiện đại, máy bay không người lái, máy bay nhẹ bay thấp để xâm nhập trận địa. Chính vì thế, chúng tôi luôn nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là đổi mới phương pháp huấn luyện để phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Thời gian qua, đơn vị đã luyện tập và triển khai các phương án chiến đấu bảo vệ đại hội Đảng các cấp và những sự kiện chính trị quan trọng, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ và bị động ở trên không”.

Quân đoàn 3 diễn tập, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Quân đoàn 3 tổ chức diễn tập. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Những năm qua, các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 chú trọng nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Quân đoàn 3 đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, được biên chế phương tiện, vũ khí tương đối hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chính vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quán triệt, chấp hành nghiêm mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của cấp trên; huấn luyện bộ đội theo đúng chương trình, kế hoạch, bảo đảm nội dung và thời gian.

Đánh giá về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn-Tư lệnh Quân đoàn 3-cho hay: Quân đoàn luôn chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, tập trung vào các nội dung mới, phù hợp với đối tượng và địa hình tác chiến. Bên cạnh đó, Quân đoàn cũng thường xuyên tổ chức huấn luyện chiến dịch, cập nhật những nội dung mới về đối tượng tác chiến như: tổ chức biên chế; âm mưu thủ đoạn, phương pháp tác chiến của địch trong chiến tranh hiện đại... Đồng thời, tổ chức huấn luyện kết hợp diễn tập, luyện tập chiến dịch với cơ động lực lượng, phương tiện.

“Qua đó, chúng tôi đánh giá đúng thực chất trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành của các đơn vị cũng như khả năng mang vác nặng, khả năng cơ động của bộ đội và phương tiện xe pháo. Các đơn vị thường xuyên cơ động lực lượng, hành quân đường dài, mang vác nặng, hành quân đêm... Nhờ đó, chất lượng huấn luyện ngày một nâng cao; 100% cán bộ, chiến sĩ hoàn thành các nội dung huấn luyện, trong đó 80% trở lên đạt khá giỏi”-Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều năm qua, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Binh đoàn 15 luôn chú trọng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên luyện tập phương án bảo vệ đơn vị, bảo vệ đội sản xuất và khu dân cư.

Thượng tá Hà Trọng Bảo-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) chia sẻ: “Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện cho các đối tượng theo quy định, chúng tôi chú trọng huấn luyện tự vệ trong các đội sản xuất vì đây là lực lượng bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp đội sản xuất và bảo vệ người dân trên tuyến biên giới. Lực lượng này vừa trực tiếp lao động sản xuất vừa có mặt trên tuyến đầu biên giới nên họ có vị trí rất quan trọng trong công tác quân sự quốc phòng của đơn vị”.

Với lực lượng vũ trang tỉnh, Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-nhận định: Cùng với các đơn vị khác, thời gian qua, lực lượng vũ trang tỉnh tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc. Qua đó, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh tạo tiền đề thuận lợi để cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Luôn có mặt nơi dân cần

Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 đơn vị quân đội tham gia công tác dân vận tại 71 xã và 16 đơn vị tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới tại 36 xã. Thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác dân vận mà trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, các đơn vị đã giúp đỡ việc di dời nhà ở, sắp xếp dân cư tại 8 làng căn cứ cách mạng thuộc các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và Kbang.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) huấn luyện trên thao trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) huấn luyện trên thao trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng vũ trang tỉnh đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để giúp 98 hộ thoát nghèo. Cùng với đó, tổ chức hơn 10 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân, tự vệ làm công tác xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai. Huy động hơn 2,5 tỷ đồng tặng 6 ngàn suất quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 12 ngàn lượt người.

Thời gian qua, Trung đoàn Bộ binh 48 (Sư đoàn 320) được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ giúp đỡ các địa phương xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc giúp đỡ 2 xã Tân Sơn và Biển Hồ (TP. Pleiku) hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đơn vị cũng đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ về giúp huyện Kbang, Phú Thiện thực hiện công tác này. Trung tá Đặng Thành Tuyên-Chính ủy Trung đoàn-cho biết: “Chúng tôi luôn thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác. Giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm cũng là nghĩa vụ của đơn vị”.

Trong giai đoạn 2010-2020, các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 đã ký kết tham gia xây dựng nông thôn mới tại 20 xã thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak. Quân đoàn đã huy động hàng ngàn ngày công xây dựng 242 căn nhà cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Ngoài ra, Quân đoàn còn hỗ trợ kinh phí, phương tiện và 336 ngàn ngày công làm 37,55 km đường bê tông, cứng hóa 564,2 km đường giao thông nông thôn; đào 210,2 km kênh nội đồng; di chuyển 212 nhà ở tại 4 làng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đăng ký hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo tại 18 xã với  272 hộ, đến nay đã giúp 253 hộ thoát nghèo.

Đại tá Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế-xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ tính riêng năm nay, đơn vị đã hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người lao động khó khăn, người có công hơn 18,7 tỷ đồng. Binh đoàn huy động hàng trăm lượt y-bác sĩ trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 45 ngàn lượt công nhân, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, Binh đoàn cũng vận động cán bộ, công nhân viên và người lao động hiến hơn 1.000 đơn vị máu; hỗ trợ nhân dân nước bạn Lào và Campuchia hơn 500 triệu đồng, tặng hàng ngàn bộ quần áo, sách vở cho nhân dân nước bạn khắc phục khó khăn do thiên tai…".

Những ngày này, những người lính Biên phòng tỉnh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc mà còn căng mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: “Hiện nay, chúng tôi có các chốt với đầy đủ quân số đang ngày đêm có mặt ở các đường mòn, lối mở dọc biên giới để phòng-chống dịch. Thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn không quản ngại khó khăn gian khổ để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình, chương trình giúp dân như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”...

 

VĨNH HOÀNG
 

Có thể bạn quan tâm