Điểm đến Gia Lai

Lũng Vân ngày ấy, bây giờ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 20 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, những cư dân đến từ các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa đã cùng với đồng bào tại chỗ đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thôn Lũng Vân đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Nhớ lại những năm đầu tiên mới đặt chân đến Lũng Vân, Trưởng thôn Hà Văn Mừng chia sẻ: “Chúng tôi chuyển vào vùng đất này sinh sống từ tháng 12-1997. Những năm đầu, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, cánh đồng cũng không có, nhà ở thì tạm bợ dưới những ánh đèn dầu hiu hắt. Lúc đó, một số hộ có ý định quay về cố hương. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân bắt đầu khai hoang, phát triển sản xuất và hình thành bộ khung cán bộ của thôn”.
Tiếp lời ông Mừng, Bí thư Chi bộ Hà Văn Che thông tin thêm: “Lúc đó, ngoài đất rẫy tự khai phá, chưa hộ nào chủ động được nguồn giống cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, người dân tìm đến các hộ người Jrai bản địa để học tập, trao đổi. Phần lớn người dân trồng giống lúa 6 tháng nên phải trồng thêm rau củ để cải thiện cuộc sống. Không những vậy, trên địa bàn chỉ có đường mòn, mùa mưa lầy lội không thể đi lại được nên mọi thứ đều tự túc tự cấp. Gia đình nào khá lắm mới có chiếc xe đạp để đi lại”.
Theo ông Hà Văn Che: Cuộc sống người dân trong thôn bắt đầu thay đổi vượt bậc kể từ năm 2000, khi Nhà nước đầu tư xây dựng đập dâng Ia Lâu. Sau đó, đất rẫy được san ủi, dẫn nước vào thành cánh đồng lúa 2 vụ. Chính quyền địa phương hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cho người dân.
Những năm tiếp theo, công trình thủy lợi Plei Pai-Ia Lốp tiếp tục được đầu tư xây dựng với hệ thống kênh mương kiên cố, ruộng đồng được mở rộng. Đặc biệt, hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư bài bản góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Con em đúng độ tuổi được đến trường học tập.
Đường giao thông ở thôn Lũng Vân (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) đã được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Hồng
Trên cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng khoảng 570 ha, mỗi hộ trong thôn được chia khoảng 2 ha canh tác với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, cá biệt có lúc đạt 12 tấn/ha. Bà Hà Thị Duyên phấn khởi nói: “Gia đình tôi định cư ở đây từ năm 2008. Thời điểm đó, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ được chính quyền giúp đỡ, chúng tôi chịu khó học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với những hộ đi trước nên cuộc sống đã khá hơn rất nhiều. Với 5 sào lúa nước và 4 ha cây ngắn ngày, mỗi năm, gia đình tôi tích lũy được 50 triệu đồng”.
Điều đáng ghi nhận là người dân ở đây rất đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Đến nay, thôn Lũng Vân đã thành lập được 5 nhóm cùng sở thích trồng trọt và chăn nuôi. Đầu năm nay, thôn đã thành lập Nông hội trồng điều với 30 hộ tham gia. Đặc biệt, các tổ chức hội, đoàn thể trong thôn đã xây dựng được nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với tổng số tiền 347 triệu đồng. Ông Bùi Văn Hiến cho biết: Năm ngoái, gia đình ông được Chi hội Nông dân thôn cho vay 50 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc 5 ha điều.
Hiện nay, thôn Lũng Vân có 284 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 27-30 triệu đồng/năm; trong đó có 85 hộ khá và chỉ còn 7 hộ nghèo. Từ năm 2014 đến nay, người dân thôn Lũng Vân đã đóng góp 1.177 ngày công lao động và hiến 540 m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, bà con đóng góp gần 1,1 tỷ đồng xây dựng công trình công cộng. Nhờ đó, thôn Lũng Vân đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào đầu năm nay.
Trao đổi với P.V, ông Lê Thành Công-Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy xã Ia Lâu-cho biết: Thôn Lũng Vân khởi sắc như hôm nay là nhờ biết đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao của 7 dân tộc sinh sống trên địa bàn được duy trì thường xuyên tạo mối gắn kết cộng đồng bền vững.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm