Kinh tế

Giá cả thị trường

Lương tăng chưa về túi, đi chợ đã tốn nhiều hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lương cơ bản tăng cao nhất trong lịch sử bắt đầu từ tháng này và giá cả ngoài thị trường cũng âm thầm tăng mạnh.

Hàng hóa thiết yếu tăng giá chóng mặt

Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước cũng là nơi có mức độ nhạy cảm nhất với mọi sự thay đổi liên quan đến thu nhập của người dân.

Chị T.X, một nhân viên văn phòng ở Q.3 và có gần 20 năm làm công ăn lương, ước tính: "Lương tháng 7 tăng thêm 30%, tương đương 2,4 triệu đồng nâng tổng lương ngạch bậc lên trên 10 triệu đồng/tháng. Nếu cộng các khoản phụ cấp thì tổng thu nhập từ lương khoảng 13 triệu đồng. Điều đáng nói là lương mới chưa về túi vì cơ quan của chị trả lương vào thời điểm sau ngày 20 hằng tháng nhưng ngay từ cuối tháng 6 giá cả hàng hóa, dịch vụ đã bắt đầu tăng".

Nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng giá. Ảnh: Chí Nhân
Nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng giá. Ảnh: Chí Nhân

"Mọi thứ cứ dắt dây nhau, từ cọng hành đến trái ớt rồi đến dịch vụ ăn uống cũng tăng ít nhất 10 - 15%. Mà lương thì tới cuối tháng mới nhận nên cả tháng qua tôi phải bù lỗ cho rất nhiều khoản chi phí sinh hoạt thiết yếu của gia đình", chị T.X than thở.

Khảo sát thực tế, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt heo, trứng, rau củ… cũng tăng. Cụ thể đối với mặt hàng thịt heo, tại các chợ truyền thống giá thấp nhất là nạc vai, nạc đùi từ 105.000 - 110.000 đồng/kg; còn ba rọi sườn non cũng 160.000 - 180.000 đồng/kg. Mức giá hiện tại cao hơn trung bình những năm gần đây 30%. Các chuyên gia ngành chăn nuôi giải thích giá thịt heo tăng là trùng hợp vì 2 năm liên tiếp vừa qua giá heo hơi giảm mạnh người chăn nuôi giảm đàn.

Chủ một doanh nghiệp chăn nuôi lớn phân tích: Để giảm đàn hiệu quả thì phải bắt đầu giảm từ đàn heo nái. Cuối năm 2023 dự báo giá heo hơi tăng trở lại nhưng do ám ảnh thua lỗ kéo dài nên không ai dám mạo hiểm mà đợi qua đến đầu năm 2024 khi giá heo thực sự tăng thì các trang trại mới bắt đầu tái đàn. Việc tái đàn cũng bắt đầu từ đàn nái, rồi sau đó chúng mới sinh sản ra heo giống, từ heo giống mới nuôi thành heo thịt. Quá trình này mất ít nhất 9 tháng. Đó chính là lý do giá heo hơi thời gian qua duy trì mức cao và dự báo kéo dài đến cuối năm nay và dự báo có thể duy trì đến giữa năm 2025.

Ngoài mặt hàng thiết yếu là thịt, chị Ngọc An (ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ: Mọi năm các loại trái cây như chôm chôm, vải thiều vào mùa này rất rẻ nhưng năm nay hút hàng; chôm chôm 40.000 - 50.000 đồng/kg còn vải thiều thì 60.000 - 70.000 đồng/kg, chưa kịp ăn đã thấy hết mùa. Giá trứng gia cầm lúc trước chỉ 28.000 - 30.000 đồng/chục thì nay cũng tăng lên 35.000 - 37.000 đồng/chục.

Bên cạnh đó, giá rau củ phổ biến cũng tăng 10 - 15% với nguyên nhân được giải thích là do thời tiết bất lợi nên sản lượng thấp. Cụ thể như cà chua, xà lách có giá phổ biến từ 45.000 - 60.000 đồng/kg hay như bầu, bí, dưa leo... cũng có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Còn gạo cũng tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại. Theo một số chủ vựa giải thích do thời điểm hiện tại, gạo đông xuân cuối mùa nên nguồn cung hạn chế còn gạo hè thu chủ yếu để xuất khẩu chứ thị trường nội địa không chuộng.

Xăng dầu, dịch vụ gia tăng áp lực

Dù chỉ là trùng hợp nhưng vào kỳ điều chỉnh giá ngày 4.7 vừa qua giá xăng tăng thêm từ 447 - 542 đồng/lít và giá dầu tăng thêm từ 88 - 602 đồng/lít/kg. Giá xăng ghi nhận 4 kỳ liên tiếp tăng giá. Trong đó, xăng RON 95 tăng 542 đồng/lít và có giá bán cao nhất thị trường xăng dầu với 23.552 đồng/lít.

Các dịch vụ ăn uống đua nhau tăng giá. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Các dịch vụ ăn uống đua nhau tăng giá. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Việc lương cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá dẫn đến giá các loại hình dịch vụ ăn uống tăng theo cũng là điều không tránh khỏi. Anh Lê Văn Sơn (ngụ Q.10) chia sẻ: "Gia đình tôi vốn có "tâm hồn ăn uống", nên thường ra ngoài khám phá ẩm thực các nơi và cũng có nhiều quán quen. Từ khi lương tăng thì phần lớn trong số đó đã tăng giá 3.000 - 5.000 đồng/phần. Một quán mì của người Hoa, thuộc loại bình dân mà tôi hay ghé thì trước có giá 45.000 đồng cho một tô mì thập cẩm, nhưng tuần rồi đã tăng lên 50.000 đồng/tô. Gần đó, tô hủ tiếu Nam Vang tại một quán có tiếng từ 84.000 đồng nay lên 90.000 đồng. Còn ổ bánh mì bình dân trước chỉ 20.000 - 25.000 đồng thì nay cũng đã lên 30.000 - 35.000 đồng. Một số điểm bán bánh mì có tên tuổi thì giá tăng tới 40.000 thậm chí 60.000 đồng/ổ".

"Một suất ăn tăng 3.000 - 5.000 đồng có thể không thấy nhiều, nên chúng ta thường không để ý hay dễ dàng thông cảm với nỗi khó khăn của người bán. Nhưng nếu tính theo tỷ lệ thì mức tăng có thể lên đến 20 - 30%. Tôi có cảm giác lần này cũng giống như thời điểm đầu năm 2022, khi giá xăng liên tục tăng thì nhiều dịch vụ ăn uống cũng đồng loạt tăng giá. Thời gian gần đây, chi phí sinh hoạt của gia đình phát sinh tới khoảng 500.000 đồng/ngày. Để cắt giảm chi phí trong lúc khó khăn này, vợ chồng chúng tôi đã đi đến thống nhất hạn chế tối đa việc đi ăn bên ngoài", anh Sơn nhận định.

Anh Thế Hùng, chủ một nhà hàng trên đường Minh Phụng (Q.11), than thở: Mọi thứ nguyên vật liệu đầu vào đều tăng và lương nhà nước tăng nên nhân viên phục vụ cũng phải tăng theo. Mỗi lần tăng giá thì lượng khách sẽ ít đi do tần suất khách quen đến quán giảm mà khách mới không tăng và lượng món ăn trên mỗi bữa ăn cũng giảm nên buôn bán càng khó khăn hơn.

Không chỉ TP.HCM mà tại Hà Nội người dân càng cảm thấy áp lực giá cả đè nặng, đặc biệt là ngoài giá cả các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng thì Sở GTVT Hà Nội đề xuất giá vé xe buýt Hà Nội trong năm 2024 cần được điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể với vé lượt cự ly dưới 15 km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng (tăng 14%); từ 15 km đến dưới 25 km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30 km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30 km đến dưới 40 km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng; từ 40 km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng (tăng 55%). Trước đề xuất trên, mới đây lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội rà soát, báo cáo rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc đề xuất mức tăng giá vé xe buýt trước ngày 15.7.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng này vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay, 4 - 4,5%. Tuy nhiên hiện tượng "té nước theo mưa" khi lương tăng vẫn xảy ra.

Kiểm soát, tránh tăng giá bất hợp lý

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Công điện 61 yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp cụ thể để kiểm soát giá cả hàng hóa để không làm mất ý nghĩa tăng lương. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Có thể bạn quan tâm