Xã hội

Lương tháng đóng BHXH sẽ quyết định mức hưởng lương hưu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người lao động làm (NLĐ) công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi chuyển sang công việc có mức lương đóng BHXH thấp hơn mới được ưu tiên trong việc xác định mức lương tính lương hưu.

 

Theo quy định tại điểm 2.6, khoản 2, điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH về mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của NLĐ có quy định: Với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Mức tiền lương tháng đóng BHXH không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

 

Lương tháng đóng BHXH sẽ quyết định mức hưởng lương hưu của người lao động
Lương tháng đóng BHXH sẽ quyết định mức hưởng lương hưu của người lao động



Với người làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề): Mức tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Với người làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Mức tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường; Với người làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Mức tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Còn tại điều 56 Luật BHXH 2014 quy định mức lương hưu hàng tháng của NLĐ: Mức lương hưu bằng (=) tỉ lệ hưởng lương hưu (nhân) x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong khi đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được xác định theo điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau: Đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tính theo bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian.

Đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Trường hợp thông thường: Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-1995 - 31-12-2000 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2001 đến 31-12-2006 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ 1-1-2007 đến 31-12-2015 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ 1-1-2016 đến 31-12-2019 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ 1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Theo H.Lê (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm