Biên phòng - Thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ làm công tác dân vận: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, gần 60 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP công tác tại địa bàn Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sống cùng dân, tận tụy chăm lo đời sống cho dân ở khu vực biên giới, nhất là đồng bào dân tộc ít người.
Lan tỏa những mô hình hay, cách làm giỏi
Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Tuy vẫn còn đó những khó khăn, nhưng xã biên giới hai lần được phong Anh hùng này đã có nhiều khởi sắc. Cùng đi với tôi, Trung tá Phạm Xuân Bốn, thuộc Đồn Biên phòng Sê San, Kon Tum nhớ lại: Mô Rai lúc đó (khi chưa chia tách) rộng 1.500km2, giống như một ốc đảo vì đường sá đi lại rất khó khăn, cách trở, nhất là vào mùa mưa. Đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, quanh năm thiếu đói, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại.
BĐBP Đak Lak tặng xe đạp cho các cháu học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Ngọc Lân |
Năm 1991, khi Chuẩn úy Phạm Xuân Bốn về công tác ở Mô Rai, xã biên giới này có trên 90% dân số mù chữ. Anh là người đầu tiên của Biên phòng Kon Tum đề xuất mở và trực tiếp dạy 2 lớp xóa mù chữ. Tháng 5-1995, từ thông tin nắm được qua học sinh, anh biết ở làng Xộp, xã Mô Rai có bé gái mới 2 ngày tuổi sắp bị chôn theo mẹ. Biết chuyện, Bốn tức tốc chạy đến xin giữ em bé lại, nhưng dân làng kiên quyết không cho. Bốn nhớ lại, phải tới 3 ngày vừa năn nỉ vừa nhờ người anh nuôi, tên là A Chóc (là già làng làng Xộp) và nhờ Chủ tịch UBND xã (là cháu của già làng A Chóc) tác động, dân làng mới đồng ý, với cam kết: Nếu đứa bé không sống, Phạm Xuân Bốn phải chịu phạt một con trâu.
Cháu bé được Bốn đưa về đồn Biên phòng chăm sóc, sau đó được Trung tâm Bảo trợ bà mẹ và trẻ em tỉnh Kon Tum lên nhận, đưa về nuôi. Cháu Y Thanh (tên do Phạm Xuân Bốn đặt) sau này được một gia đình hiếm muộn ở thành phố Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi, sống khỏe mạnh... Năm 1996, thêm 1 cháu gái nữa (tên Y Đức, 3 tháng tuổi), ở làng Kênh, xã Mô Rai sắp bị chôn sống vì mẹ vừa chết do hậu sản. Nhờ lần cứu sống bé Y Thanh trước kia nên Bốn đã một lần nữa thuyết phục được dân làng để bé không bị chôn sống theo mẹ. Hiện, Y Đức đã lớn, đang sống với gia đình bố mẹ nuôi ở Đak Glei, Kon Tum. Nhờ tấm lòng của Phạm Xuân Bốn, 2 bé gái được cứu sống. Nhưng quan trọng hơn là từ việc làm của người lính Biên phòng, dân làng đã nhận thức được và từ bỏ hủ tục chôn sống con theo mẹ đã tồn tại bao đời nay... Đó là câu chuyện của 23 năm về trước.
Những trang sử mà BĐBP các tỉnh Tây Nguyên viết tiếp thời gian gần đây chính là việc quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con. Với phương châm “lo cho dân trước”, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP các tỉnh Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai và Kon Tum đã luôn bám dân, gần dân, chia ngọt sẻ bùi với nhân dân. Từ chỗ thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào, bằng lương tâm, trách nhiệm của anh bộ đội Cụ Hồ, những người lính quân hàm xanh đã có nhiều mô hình hay, cách làm đa dạng để giúp cho nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên...
Hiện nay, hầu hết các đồn, đơn vị thuộc BĐBP 4 tỉnh Tây Nguyên đều có mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, như: nuôi bò, dê, heo sinh sản, nuôi gà lai, trồng lúa nước, trồng chanh dây, trồng cây bời lời, sâm dây... Thực hiện chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, BĐBP 4 tỉnh còn tặng các hộ nghèo 570 con bò giống. Sau gần 3 năm, 97% bò mẹ đã sinh bò con. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê, hiện nay, 100% các xã biên giới tuyến Tây Nguyên đã có điện, có nước sạch, có sóng điện thoại, đường ôtô đã vào tới trung tâm xã, trên 97% hộ dân có phương tiện nghe nhìn. Trong thành tích phấn khởi đó có dấu ấn của những người lính mang quân hàm xanh.
“Quả ngọt” từ sức dân và tấm lòng người lính
Từng có dịp đi nhiều vùng biên giới từ Tây Bắc tới Tây Nam bộ, được chứng kiến nhiều việc làm đầy tính nhân văn của BĐBP, nhưng thú thực, tôi đã không giấu được xúc động khi chứng kiến bữa cơm trưa tại “Bếp ăn tình thương” ở xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai. Sau buổi học sáng, 16 cháu học sinh, cả người Kinh lẫn người dân tộc, quây quần quanh mâm cơm, vừa ăn vừa tíu tít đủ thứ chuyện trên lớp.
Thượng úy Đỗ Quang Cường, Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (phụ trách bếp ăn) cho biết, mô hình “Bếp ăn tình thương” được đơn vị duy trì từ năm 2012. Đều đặn mỗi ngày đi học, các cháu đều được các chú BĐBP nấu cho ăn bữa trưa. Nhờ bếp ăn này mà nhiều cháu đã vượt qua được khó khăn, tiếp tục bám lớp, bám trường. Có một số học sinh, như em Siu H’Yươn (thôn Mook Đen 2, xã Ia Dom) đã gắn bó với bếp ăn này 5 năm.
Siu H’Yươn có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố chết sớm, nhà nghèo nên em phải bỏ học. May nhờ các chú Biên phòng phát hiện, động viên, hỗ trợ cơm trưa và tặng sách vở nên em đã tiếp tục quay lại trường. Đây là một trong nhiều câu chuyện xúc động của BĐBP trong triển khai thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”. Từ chương trình này, 216 học sinh khu vực biên giới Tây Nguyên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 22 cháu người Lào và người Campuchia) đã được các đồn, đơn vị Biên phòng nhận đỡ đầu.
Từ mô hình “Nâng bước em tới trường” gợi nhớ về hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh” có từ vài chục năm về trước. Chính từ những lớp học xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ngày đó đã giúp cho hàng ngàn người dân tộc thiểu số mù chữ trên biên giới Tây Nguyên biết đọc thông, viết thạo. Nhiều người phấn đấu học lên cao hơn, tốt nghiệp đại học, là trí thức, trở thành cán bộ nòng cốt của địa phương sau này...
BĐBP Đak Nông trao tặng 100 con bò giống trị giá 2,5 tỷ đồng cho bà con nghèo biên giới tháng 10-2017. |
Bên cạnh đó, BĐBP còn tích cực vận động các doanh nghiệp cùng tham gia vào các chương trình phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng cùng hướng về biên giới. Theo đó, BĐBP 4 tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây tặng bà con nghèo nơi biên giới 512 căn Nhà tình nghĩa, Nhà đại đoàn kết, Mái ấm biên cương, xây dựng 36 công trình dân sinh, củng cố hệ thống điện, đường, trường, trạm với kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Nhờ vậy, hiện nay, nhiều xã trên biên giới đã và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Ở Kon Tum, xã Đak Nông, huyện Ngọc Hồi đã đạt 19/19 tiêu chí; xã Bờ Y, huyện Đak Hà đạt 17 tiêu chí. Tại tỉnh Gia Lai, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, từ nghèo đói với 8 buôn, làng, 1.365 hộ, 96% hộ dân sống bằng nông nghiệp, đến đầu năm 2016, đã trở thành xã đầu tiên trên vùng biên giới Tây Nguyên đạt 19/19 tiêu chí về “nông thôn mới”.
Với tất cả tình cảm, trách nhiệm hướng về đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, các chiến sĩ Biên phòng luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhận được sự tin cậy, yêu mến của đồng bào các dân tộc. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của mình, cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã góp phần làm cho hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Đăng Bảy (bienphong)