TN - Đất & Người

Ly kỳ sự tích Vua voi Khunjunop trên đại ngàn Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dáng vẻ bên ngoài của Vua voi Khunjunop đầy quyền lực của một người tù trưởng. Thế nhưng, tâm hồn của ông lại hết sức bao dung, thương người nên được nhiều bộ tộc ở giữa đại ngàn Tây Nguyên nể trọng, kính phục. Câu chuyện về ông nghe qua hết sức huyền bí, tưởng như hoang đường nhưng tất cả đều là sự thật ở trên đại ngàn Tây Nguyên.
Lăng mộ của Vua voi Khunjunop. Ảnh: TTN
Lăng mộ của Vua voi Khunjunop. Ảnh: TTN
"Khai thiên, lập địa" ở vùng đất Buôn Đôn 
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp theo chân một đoàn khách du lịch về xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Tại đây, chúng tôi được gặp ông Y Nhi Rya (tên thường gọi là Ama Phương) kể chuyện ly kỳ về Vua voi Khunjunop. Ông Ama Phương (SN 1951) là chắt rể của Vua voi Khunjunop. 
Theo ông Y Nhi, Vua voi Khunjunop tên thật là Y Thu K’Nul (1828 - 1938, hơn 110 tuổi). Ông là người dân tộc M’nông, người bản địa ở đại ngàn Tây nguyên.
Suốt cuộc đời của mình ông Y Thu sở hữu gần 500 con voi rừng đã được thuần hóa. Trong đó, có một con voi trắng quý hiếm. Thế nên, ông Y Thu được người dân rất ngưỡng mộ và là người tù trưởng đầy quyền lực, uy tín. Ông Y Thu cũng được xem là người đã khai sinh ra cái tên Buôn Đôn cho đến tận hôm nay.
Người xưa kể lại rằng, ông Y Thu sinh ra và lớn lên tại vùng đất giáp biên giới với Campuchia. Khi sinh Y Thu, mẹ ông đau đẻ 3 ngày 3 đêm. Theo phong tục, người nhà mổ heo, mổ gà cúng thần linh nhưng bà vẫn không sinh được.
Hôm sau, vào giữa trưa, trên trời có tiếng leng keng như chuông và xuất hiện bóng một con ngựa chạy quanh quanh nhà ông 7 vòng. Đây cũng là khoảnh khắc cậu bé Y Thu cất tiếng khóc chào đời.
Lớn lên tiếng nói của Y Thu rất thanh, vang vọng đi rất xa. Thế nên, người trong gia đình, bà con xóm làng ai ai cũng tin rằng ông là đứa con của thần linh, chứ không phải người thường.
Một ngày, giữa các bộ tộc xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Mẹ ông Y Thu cùng nhiều người nhà bị bắt nhốt vào trong hang đá. Lúc này, Y Thu may mắn chạy thoát thân, tìm đến vùng đất ở Thác Bảy nhánh (thuộc địa bàn xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn ngày nay) lánh nạn.
Sau đó, ông tìm đến bà Ja Wầm, một vị tù trưởng giàu có ở vùng đất Cư Mgar thời bấy giờ nhờ đi giải cứu mẹ. Sau khi đánh cho kẻ địch tơi bời, cứu được mẹ, Y Thu đưa cả gia đình về khu vực Thác Bảy nhánh sinh sống và đặt tên là Buôn Đôn tức làng đảo, theo tiếng Lào. Hiện nay, Buôn Đôn là cái tên của một huyện ở tỉnh Đắk Lắk.
Đến với vùng đất mới, ông Y Thu có một con voi thả trong rừng. Tuy nhiên, bộ tộc người Ê Đê sau đó đã bắn con voi của ông. Khi ra tòa, ông yêu cầu người Ê Đê bồi thường con voi bị bắn bằng việc chia đất cho ông khu vực huyện Buôn Đôn ngày nay.
Sự việc tưởng chừng là mâu thuẫn lớn nhưng bộ tộc người Ê Đê không chỉ bồi thường đất mà kết nghĩa với ông Y Thu. Lúc này, ông Y Thu đã tặng cho bộ tộc người Ê Đê thêm 1 con voi nữa rồi định canh, định cư ở lại Buôn Đôn sinh sống.
Hình ảnh vợ chồng Vua voi Khunjunop (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Hình ảnh vợ chồng Vua voi Khunjunop (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Người tù trưởng vĩ đại của buôn làng
Không chỉ giàu có, uy tín, Y Thu còn là người bao dung, thương người. Thời đó, ở khu vực ông Y Thu sinh sống vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán nô lệ. Tuy nhiên, trên cương vị tù trưởng, ông Y Thu tuyệt đối không cho bắt bán nô lệ sang nước khác. Nếu có ai đó bị bắt bán, ông biết được sẽ đứng ra xin, hoặc tự bỏ tiền mua về nuôi rồi sau đó tha về. 
Không những vậy, theo tập tục của người xưa, ai đó bị quy cho là “ma lai” thì lập tức bị cả làng kéo đến bắt, giết chết. Những trường hợp này, Y Thu cũng bỏ tiền ra mua nuôi, không cho giết.
Đối với người phạm tội trộm cắp, nếu bắt được sẽ bị đem bán làm nô lệ để “trừ” vào đồ vật họ đã ăn cắp, ông cũng mua về nuôi rồi sau đó tha bổng. Tiếng lành đồn xa, người dân tìm đến Buôn Đôn sinh sống ngày càng nhiều hơn.
Rồi một ngày khi người Pháp xâm chiếm Đông Dương, vào Buôn Đôn bắt người của Y Thu đi lính. Lúc này, ông đã dùng ngà voi “thế” cho Pháp để người dân không bị bắt đi lính. Từ những việc làm này, ông được người dân Tây Nguyên, người Lào, Campuchia, Thái Lan hay người Pháp hết sức nể phục, kính trọng và giao lưu làm ăn.
Cũng trong quá trình giao thương làm ăn, năm 1861,  ông Y Thu mang tặng con voi trắng cho Hoàng gia Thái Lan. Vua Thái Lan rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (tức là người tướng chào). Kể từ đó, ông Y Thu được mọi người gọi là Vua voi Khunjunop.
Theo ông Y Nhi, danh hiệu Vua voi Khunjunop mà người ta phong cho ông xuất phát từ việc ông là một tù trưởng uy tín, giàu có bậc nhất Tây Nguyên. Ông sở hữu rất nhiều voi, gần 500 con. Ông Y Thu  là người tập hợp chung quanh mình những dũng sĩ săn voi nức tiếng nhất rồi chỉ huy họ vào rừng săn bắt, thuần dưỡng voi.
Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, thông tin về cái chết của Vua voi Khunjunop nhanh chóng được truyền đi khắp vùng. Tang lễ của ông được tổ chức rất long trọng, kéo dài nhiều ngày với sự tham dự của nhiều sắc tộc. Mộ của ông nằm bên cạnh dòng sông Sêrêpôk, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn ngày nay.
Mộ Vua voi Khunjunop được vua Bảo Đại và người Pháp thiết kế rồi cho các kỹ sư nổi tiếng thời bây giờ xây dựng. Ngôi mộ là hiện thân của Vua voi Khunjunop và con cháu sau này biết đến ông trong việc xây dựng buôn làng Buôn Đôn ngày nay.
Theo UBND xã Krông Na, hiện khu mộ được con cháu gia đình quản lý. Các đơn vị khai thác du lịch đã phối hợp với gia đình để đưa khách đến tham quan. Phía gia đình cũng đưa gia phả cho đơn vị du lịch nắm rõ lịch sử để giới thiệu cho du khách.
Theo PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm